Tại sao ngân sách vẫn lâm cảnh “giật gấu vá vai”?

ANTĐ - Đó là câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch đặt ra tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, sáng nay (2-11).

Theo đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh), xét trên tổng thể, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam có vị trí lớn như hiện nay nhưng tại sao ngân sách vẫn lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”? Đi sâu vào phân tích, theo ĐB Lịch, tăng chi, bội chi đã mang lại 2 tích cực: nâng chất lượng hạ tầng xã hội và giảm phân hóa giàu nghèo, nông thôn với thành thị. Nhưng chi tiêu cũng đang bộc lộ 3 hạn chế: thể chế về phân bổ ngân sách duy trì theo kiểu xin – cho quá lâu nên dẫn đến không hiệu quả; chi tiêu theo kiểu “vung tay quá trán”, nới rộng bộ máy, nhiều ghế khiến bộ máy phình ra, ngân sách “không chịu nổi”; kỷ cương kỷ luật ngân sách chưa được nghiêm.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lo ngại, trước việc tăng chi thường xuyên và bộ máy hành chính thời gian qua không giảm khi mà năm 2005, 2 khoản chi này tăng lần lượt 25% và 8% thì đến năm 2012 đã tăng tương ứng 73% và 12%. Thực trạng quản lý chi tiêu đang diễn ra lỏng lẻo trong khi túi tiền quốc gia đang eo hẹp thì việc chi tiêu phải có kế hoạch. Lượng cán bộ, công chức, viên chức tăng lên nhưng thực tế chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế.

Chia sẻ khó khăn với Bộ trưởng Bộ Tài chính về thu, chi ngân sách năm nay khác với “tình hình vui vẻ” của năm 2012, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi bàn, thông qua luật, văn bản pháp luật cân nhắc không để bộ máy phình ra, tăng chi tiêu. “Cử tri nói với chúng tôi là nay cứ ra ngõ là gặp chủ tịch. Các hội thành lập quá nhiều hiện nay đang tiêu tốn một phần không nhỏ ngân sách nhà nước do vậy cần xem lại cách thức tổ chức”, ĐB Nam nêu.

Hoan nghênh việc Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải chỉ rà soát 3 tuyến cao tốc đã tiết giảm gần 15.000 tỷ đồng, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) đề nghị, các dự án mà sắp sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ sắp tới cần rà soát lại chi phí như: nhân công, xăng dầu, xe, lễ khởi công, động thổ, thông xe... để từ đó tiết giảm hơn các chi phí không cần thiết. Theo quan điểm của đại biểu, với cách rà soát như trên thì kinh phí đầu tư cho dự án quốc lộ 1A và 14 có thể tiết giảm được khoảng lần lượt 6.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Cũng hoan nghênh việc rà soát, tiết kiệm được 15.000 tỷ đồng, ngăn được lãng phí, thất thoát trong xây dựng giao thông, ĐB Lịch, nếu không có việc cắt giảm này, người dân tiếp tục phải đóng những đồng thuế cho các khoản chi vô lý. Do vậy, trong chi tiêu cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để ngăn ngừa lãng phí.

Về thu ngân sách, ĐB Trần Du Lịch cho biết, ông ủng hộ quan điểm của Chính phủ về thu về ngân sách cổ tức từ các doanh nghiệp nhà nước có cổ phần chưa chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ để bù đắp ngân sách, đầu tư hạ tầng... ĐB Lịch cũng đề nghị những giải pháp thu ngân sách này nên được đưa vào nghị quyết của Quốc hội khi mà việc “giải bài toán ngân sách không còn con đường nào”. 
ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) và ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) băn khoăn, đánh giá về hụt thu ngân sách của Chính phủ chủ yếu đề cập nguyên nhân như: chuyển giá, gian lận thương mại, nợ đọng... nhưng lại cho rằng do khách quan và dự toán quá cao trong khi dự toán cũng do Bộ Tài chính, Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Theo đại biểu, cần phải nhìn nhận rõ các yếu kém, tồn tại làm giảm thu ngân sách, bài học kinh nghiệm thì mới có thể đạt kết quả tốt năm sau. 
Còn ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) thì đề nghị cần làm rõ các nguồn tăng thu từ: đất đai, dầu khí, chuyển giá, nợ thuế, quỹ nằm ngoài ngân sách... và nguồn giảm chi trong mua sắm, biên chế, đoàn ra... “Những vấn đề này phần lớn phụ thuộc cơ quan ra chính sách, chỉ đạo. Do vậy, phải làm rõ từ trên xuống dưới, địa chỉ rõ ràng để quy trách nhiệm. Bởi nếu không, tình hình khó khăn, thực trạng yếu kém thời gian tới vẫn sẽ diễn ra như vậy, thậm chí có thể tăng thêm”, ĐB Kiêm nói.
Giải thích thêm về thu ngân sách, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong vấn đề nợ đọng thuế có nguyên nhân do cơ chế chính sách, quản lý chưa chặt nên để một số đối tượng gian lận thuế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; doanh nghiệp chết nhưng không làm thủ tục phá sản nên không thể làm thủ tục xóa nợ; doanh nghiệp cố tình nợ thuế... Chính vì vậy, thời gian qua Bộ Tài chính đã tăng cường thanh, kiểm tra. Riêng 9 tháng đã thanh, kiểm tra 43.000 doanh nghiệp truy thu 8.900 tỷ đồng; truy thu phạt 481 tỷ đồng từ các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá và thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này.