Tại sao làm đường ở ta chi phí gấp nhiều lần mà tuổi thọ lại thua xa nước ngoài?

ANTD.VN - "Công nghệ làm đường như nhau nhưng tiền làm 1km đường ở Việt Nam từ 700-1.000 tỷ đồng trong khi nước ngoài chỉ vài ba trăm tỷ, tuổi thọ đường sá của họ từ 30-50 năm trong khi ở ta vài năm đã xuống cấp", đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, sáng 4-6.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng xây đường phụ thuộc vào nền móng, nền móng yếu như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung thì phải xử lý lớp đất yếu rất tốn kém, chi phí này ở mỗi địa phương lại khác nhau tùy điều kiện địa hình. Cùng với đó, chi phí giải phóng mặt bằng ở Việt Nam cao hơn một số nước.

“Nếu nói chi phí 700-1.000 ngàn tỷ đồng làm 1 km đường cũng đúng nhưng không phải với tất cả. Thực tế nhiều đoạn đường chi phí rất thấp”, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho hay.

Đại biểu Đặng Thuần Phong chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (ảnh nhỏ) về nghịch lý "chi phí cao, tuổi thọ thấp" của đường sá tại Việt Nam so với các nước

 Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết hiện đại hóa đường sắt Bắc Nam là 1 trong 5 trật tự ưu tiên được đề cập trong Nghị quyết 13 năm 2012, nhưng tới đây Bộ Giao thông vận tải mới xây dựng đề án. “Hơn một nhiệm kỳ qua chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước lại không được thông qua”, đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng tham gia trả lời.

Ở phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc đầu tư đường sắt cần kinh phí lớn, khi thực hiện phải có chủ trương từ Quốc hội, Chính phủ mới triển khai được và nhiều dự án vẫn đang chờ được thông qua.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng phủ nhận ý kiến cho rằng có sự phân biệt đối xử trong đầu tư đường sắt, so với đường bộ hay đường thủy. “Chúng tôi xem tất cả các lĩnh vực mình quản lý là như nhau. Nhưng dự án đường sắt thường là kinh phí cao, đầu tư, duy tu bảo dưỡng rất tốn kém”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích.

Không đồng tình với cách giải thích trên, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) giơ biển tranh luận. Theo ông Hùng, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 13 năm 2012 là “phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, bao gồm hàng không, đường bộ, đường sắt”. Tuy nhiên thời gian dài vừa qua đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 2% trong tổng số vốn đầu tư cho ngành giao thông, gián tiếp ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường sắt.

“Trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu?”, đại biểu Phùng Văn Hùng chất vấn, đồng thời đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham gia trả lời: Chính phủ có chiến lược gì để khắc phục tình trạng đầu tư cho đường sắt quá ít so với vai trò, tiềm năng của loại hình giao thông này?

"Đường sắt bị bỏ rơi, phải chăng vì đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn?" - đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn

Cũng trong phiên chất vấn sáng nay, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới sự xuống cấp của đường sắt, sự đầu tư quá ít, gián tiếp gây ra những vụ tai nạn thương tâm...

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề: "Phải chăng đầu tư vào đường bộ dễ chia sẻ lợi ích hơn, có thể cắt nhỏ, nhiều hợp đồng còn đường sắt lớn nên không thể chia sẻ lợi ích dẫn đến loại hình này chưa được chú trọng?".

"Bản thân tôi làm giao thông vì cái tâm. Nếu làm sai, vi phạm, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đáp lời đại biểu.

Chiều nay, Quốc hội sẽ dành thêm 1 giờ đồng hồ để nghe Bộ trưởng Giao thông vận tải (và dự kiến cả Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng) trả lời chất vấn, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu.