![]() |
Các chuyên gia nhận định sở dĩ đột quỵ xảy ra ngày càng nhiều ở giới trẻ, chủ yếu là do lối sống thiếu lành mạnh |
Thức khuya
Việc thức khuya thường xuyên sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm tăng nhịp tim, áp lực lên tim và các cơn co thắt trong cơ tim, khiến tim làm việc quá tải. Lúc này hoạt động bơm máu của tim sẽ kém, máu luẩn quẩn dễ dẫn đến tình trạng hình thành các cục máu đông - yếu tố gây ra hơn 80% số ca đột quỵ. Không những thế, thức khuya còn có thể làm tăng chỉ số khối của cơ thể (BMI) và những nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 - những yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Căng thẳng, áp lực công việc
Nhiều người có thói quen làm việc không khoa học, không cân bằng trong cuộc sống, chịu nhiều áp lực bởi công việc cũng có nguy cơ đột quỵ. Theo nghiên cứu, nếu làm việc quá 55 giờ mỗi tuần có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 33% so với những người làm việc từ 35 - 40 giờ. Con số này được tính toán dựa trên cả sự khác biệt về giới tính, địa vị và tuổi tác. Ngoài ra, áp lực từ cuộc sống hay các vấn đề gia đình cũng góp phần làm tăng khả năng bị đột quỵ.
Ít vận động
Thói quen ít vận động cũng có nguy cơ đột quỵ nhiều hơn 20% so với người tập luyện 4 lần mỗi tuần. Những người lười vận động thường gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe hơn các đối tượng khác. Khi không vận động hay tập thể dục, cơ thể có thể rối loạn và khiến huyết áp tăng cao, dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ. Khi chúng ta ngồi nhiều, lưu thông máu trong cơ thể trở nên kém hiệu quả, khiến lượng máu lên não bị thiếu hụt nghiêm trọng, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong mạch máu. Mặt khác, việc ít hoặc không vận động có thể làm các cơ bắp yếu đi, khả năng điều hòa huyết áp và duy trì lượng đường trong máu giảm sút.
Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá
Theo một khảo sát công bố trên tạp chí Stroke, rượu, bia có thể làm tăng huyết áp, là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim và gan. Uống nhiều rượu khiến nguy cơ đột quỵ tăng 34%. Các hợp chất có trong khói thuốc lá làm hình thành các cục máu đông - đây là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ.
Tình trạng thừa cân
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây nên tình trạng thừa cân ở giới trẻ. Khi cơ thể tiêu thụ lượng thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì nguy cơ tăng cân ngày càng cao. Đặc biệt với dân văn phòng, do tính chất công việc ít vận động khiến cho cân nặng tăng không kiểm soát dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ. Khoảng 30% trường hợp đột quỵ ở người trẻ tuổi bắt nguồn từ bệnh đái tháo đường, trong khi tăng huyết áp chiếm khoảng 10%. Những thói quen ăn uống thiếu lành mạnh cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường đang khiến độ tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa.
Bệnh lý dị dạng mạch máu não
Sự bất thường trong sự phát triển của mạch máu não có thể tạo nên các túi phình, làm tăng nguy cơ đột quỵ do xuất huyết hoặc dẫn đến hiện tượng bóc tách mạch máu, gây hẹp lòng mạch và dẫn đến đột quỵ nhồi máu não. Các bệnh lý tim mạch bao gồm rối loạn nhịp tim, các vấn đề liên quan đến đông máu, tổn thương van tim, huyết khối tim mạch và nhiều tình trạng khác. Đặc biệt ở người trẻ, việc duy trì thói quen ăn uống thiếu lành mạnh có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh lý liên quan đến mạch máu.
Sai lầm thường gặp khi bị đột quỵ não
Cạo gió khi bị đột quỵ: Khi bệnh nhân bị đột quỵ thường có những biểu hiện như tê bì chân tay, liệt chân tay hoặc nửa người, mặt lệch, nói khó, chóng mặt, đau đầu… Những biểu hiện này nhiều người cho rằng người bệnh bị cảm và đánh gió, cạo gió bằng nhiều cách. Tuy nhiên, việc cạo gió không có tác dụng khi bị đột quỵ, mà chỉ làm mất thời gian vàng điều trị.
Châm kim vào đầu tay: Đây cũng là mẹo được truyền tai rất là nhiều khi ai đó bị đột quỵ, tuy nhiên việc châm vào đầu ngón tay cho chảy máu không thể cứu được người bệnh, ngược lại còn khiến bệnh tình nặng hơn, vì cơn đau khi châm sẽ làm tăng huyết áp của bệnh nhân.
Tự ý sử dụng các loại thuốc đông y: Với những người có tiền sử cao huyết áp hoặc bị đột quỵ thường gia đình luôn chuẩn bị sẵn một vài viên thuốc đông y đắt tiền để phòng và sử dụng khi cần. Tuy nhiên, với đột quỵ não việc uống loại thuốc này không đúng sẽ không có tác dụng thậm chí có hại cho người bệnh. Chính việc cho uống thuốc và nghĩ uống thuốc tốt là sẽ khỏi bệnh sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan không đưa đi viện sớm, làm mất cơ hội điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Chờ bệnh nhân ổn định mới đưa đi viện: Với những trường hợp bị đột quỵ não nặng, rơi vào tình trạng hôn mê ngay lập tức thì người nhà càng phải đưa đi viện sớm. Tuy nhiên, đa số mọi người lại sợ đưa đi như vậy máu chảy nhiều hơn và tử vong nhanh hơn và chờ bệnh nhân ổn định mới đưa tới viện. Đây là sai lầm nghiêm trọng khiến bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị kịp thời.
Nhầm lẫn so với bệnh khác: Đột quỵ não nhẹ có những triệu chứng giống với liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (phong hàn) nên nhiều người đi tìm phương pháp điều trị chưa đúng. Do vậy, khi có các triệu chứng như méo mặt, khó nói, ăn rơi vãi cần đến viện gấp để bác sĩ thăm khám và tìm nguyên nhân chính xác.