Tại sao đột quỵ não ngày càng trẻ hóa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ não là những thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột, trước đây chủ yếu gặp ở người có tuổi, ngày nay, đột quỵ có xu hướng trẻ hóa.

Nếu như trước đây, đột quỵ não (hay tai biến mạch máu não) là bệnh lý thường xuất hiện ở người cao tuổi (50 - 60 tuổi) thì nay, độ tuổi mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, thậm chí ở độ tuổi 20.

Ngoài tuổi 40, bất cứ ai, đặc biệt là nam giới có thể bị đột qụy bất cứ lúc nào

Ngoài tuổi 40, bất cứ ai, đặc biệt là nam giới có thể bị đột qụy bất cứ lúc nào

Nguyên nhân đột quỵ não

Có nhiều nguyên nhân gây đột quỵ não nhưng thường hay gặp nhất ở người bị tăng huyết áp, đặc biệt khi tăng huyết áp kịch phát làm gia tăng áp lực động mạch trong não gây vỡ mạch làm cho máu không đến hoặc hạn chế đến các tổ chức của não gây nên hiện tượng thiếu máu não. Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có tai biến mạch máu não (đột quỵ). Tình trạng thiếu máu não trong thời gian dài sẽ dẫn tới đột quỵ, để lại những di chứng nặng nề.

Đột quỵ có xu hướng trẻ hóa bởi bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, trong khi đó tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Bên cạnh đó, do đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên việc sử dụng rượu, bia ở giới trẻ ngày một nhiều, ăn nhậu ngày càng phổ biến. Các món nhậu có nguy cơ làm gia tăng mỡ máu (phủ tạng động vật, lòng động vật, da gà vịt…). Mỡ máu tăng lâu dần sẽ có nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Trong khi đó, áp lực công việc của giới trẻ gia tăng, lười vận động dễ gây béo phì, thừa cân… Tất cả các yếu tố đó đều có nguy cơ làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch… làm gia tăng đột quỵ.

Triệu chứng của đột quỵ não

Khi thiếu máu não khẩn cấp, người bệnh có thể bị rối loạn cảm xúc đau đầu dữ dội (chiếm 50%), chóng mặt, ù tai choáng váng hoặc ngất xỉu. Chân tay run, không đứng vững, không cầm được đồ vật dù là rất gọn, nhẹ. Thỉnh thoảng đang nói chuyện bỗng dưng mất kiểm soát không nói được, mắt mờ, suy giảm trí nhớ (hay quên hoặc quên hoàn toàn) và mất ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người bệnh.

Nếu nặng, bệnh nhân đột quỵ sẽ bị liệt nửa người bên trái hoặc bên phải (giảm hoặc mất vận động ở một nửa bên thân trái hoặc bên phải), đồng thời xuất hiện liệt nửa mặt (liệt cùng bên hoặc khác bên so với liệt nửa thân, các nếp nhăn bên liệt mờ hơn bên lành, dễ chảy nước dãi ở bên liệt, nhân trung lệch), nói ngọng hoặc không nói được. Người bệnh nuốt khó, hay bị sặc, thậm chí tụt lưỡi nhưng có thể tăng phản xạ (giảm hoặc tăng phản xạ gân xương ở bên liệt). Trong trường hợp nặng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong trong vòng 48 giờ.

Nhận biết nguy cơ đột quỵ sớm

Thực tế, ngoài tuổi 40, bất cứ ai, đặc biệt là nam giới với nhiều áp lực trong công việc và cuộc sống có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào. Thống kê cho thấy, nam giới có nguy cơ cao gấp 4 lần nữ giới. Phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ không khó, thậm chí chỉ cần bỏ ra 1 phút, bạn hoàn toàn có thể chẩn đoán được chỉ bằng một động tác đơn giản, đó là thử động tác đứng 1 chân. Động tác đứng một chân trong yoga hay thái cực quyền tuy đơn giản nhưng lại có thể điều chỉnh cho mối quan hệ của lục phủ ngũ tạng trở về trạng thái hài hòa và còn đem lại nhiều công dụng dưỡng sinh.

Thử thách này xuất phát từ nghiên cứu của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) với trên 1.387 người, độ tuổi trung bình 67 cho thấy có đến 95,8% không đứng được quá 20 giây khi giữ thăng bằng 1 phút. Nếu đứng 1 chân mà không quá 20 giây thì tiềm ẩn nguy cơ cao bị đột quỵ. Theo các bác sĩ, việc không thể không đứng được quá 20 giây là dấu hiệu cho thấy các mạch thần kinh đang gặp trục trặc (tắc nghẽn mạch máu não, chảy máu trong não...). Đứng một chân cũng được Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo như bài kiểm tra nguy cơ đột quỵ đơn giản ngay tại nhà. Bài kiểm tra đơn giản này cũng nhắc nhở nam giới tuổi tứ tuần sớm thăm khám sức khỏe tim mạch, điều chỉnh lại lối sống, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi để phòng ngừa đột quỵ.

Phòng ngừa đột quỵ

Theo khuyến cáo của các chuyên gia tim mạch, phòng bệnh đột quỵ não tốt nhất bằng cách tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực: Không lạm dụng bia rượu, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích, chế độ ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, cân đối các chất, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, giảm muối, giảm mỡ, tập luyện thể dục hàng ngày, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài.

Những người có nguy cơ cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch… bằng cách đo huyết áp hàng ngày, kiểm tra sức khỏe định kì để có sự điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, người bị tăng huyết áp không được chủ quan vì đó là bệnh tuy thầm lặng nhưng có thể giết người bất cứ lúc nào. Vì vậy, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không được thay thuốc, không được tạm ngưng hoặc bỏ thuốc không điều trị.