Tại sao đội tàu chiến Nga, Trung vượt trội hơn so với tàu chiến Mỹ

ANTĐ - Chuyên gia quốc phòng Dave Majumdar viết trên tờ Lợi ích Quốc gia của Mỹ rằng, các tàu chiến của Nga và Trung Quốc được trang bị các tên lửa đối hạm trên biển có sức mạnh hơn nhiều so với các tên lửa được trang bị trên các tàu chiến của Mỹ.

“Các tàu chiến của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang được trang bị các tên lửa đối hạm siêu âm tầm xa như Brahmos và 3M-54T (SS-N-27A Sizzler) rất khó để bị đánh chặn và gây nên một mối nguy hiểm ngày càng lớn đối với hạm đội tàu chiến của Mỹ”, ông giải thích.

Tên lửa hành trình tầm xa 3M-54T, còn được gọi là Klub (Club) N, có tầm bắn tác chiến từ 440 đến 660km (270 đến 410 dặm) và với tốc độ tối đa 2.9 Mach (3.480km).

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Klub tiêu diệt các mục tiêu của IS tại Syria

Hệ thống tên lửa Club, được thiết kế bởi cục thiết kế Novator, có thể “tiêu diệt được các tàu ngầm và tàu mặt nước và còn có thể tiêu diệt được các mục tiêu tĩnh/di chuyển chậm, ngay cả khi các mục tiêu này được bảo vệ bởi các hệ thống phòng thủ và các biện pháp đối phó điện tử chủ động”, tạp chí An ninh Toàn cầu nhận định.

Trong khi đó, các tàu chiến của hải quân Mỹ chỉ được trang bị Harpoon, một loại tên lửa đối hạm với tầm bắn chỉ khoảng 70 dặm (hơn 110km).

Mỹ sẽ phải mất khoảng một thập kỷ nữa để thiết kế và chế tạo một loại tên lửa đối hạm tầm xa mới, ông Majumdar cho biết. Nhưng cần phải có một giải pháp tạm thời.

Còn ông Bryan McGrath, giám đốc điều hành tại Tập đoàn FerryBridge LLC, lại gợi ý cải tiến các tên lửa hành trình tấn công đất liền Tomahawk để bổ sung thêm một “mẫu tên lửa đối hạm”. Quá trình này cũng có thể sẽ phải mất từ 5 đến 6 năm, ông phát biểu trước Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ.

“Tuy nhiên, có những mối quan ngại rằng, trong khi tên lửa Tomahawk có thể hiệu quả đối với nhiều mối đe dọa, nhưng có những tàu chiến của đối phương lại được trang bị những hệ thống phòng không đầy uy lực mà loại tên lửa này không thể xuyên thủng”, ông Majumdar kết luận.