Tại sao có người hay bị muỗi cắn?

(ANTĐ) - Mùa hè, muỗi là tác nhân lây truyền bệnh dịch nguy hiểm. Điều lạ là có người như thỏi nam châm “hút” muỗi trong khi người khác hiếm khi bị muỗi cắn. Tại sao vậy?

2 yếu tố quan trọng nhất khiến muỗi lao vào là thị giác và khứu giác, Jonathan Day, Giáo sư Côn trùng học tại Đại học Florida ở Vero Beach, Mỹ cho biết. Theo nghiên cứu thì 20% số người trong chúng ta có sức hút cao đối với muỗi.

Muỗi rất tinh, đặc biệt là vào chiều tối và phương thức đầu tiên của chúng để tìm kiếm con người là thị giác. Người mặc áo sậm màu: màu đen, màu xanh hay đỏ nổi bật và di chuyển là mục tiêu dễ chú ý. Một khi đã nhắm được mục tiêu, loài muỗi sẽ quan tâm đến mùi, cụ thể chính là tỷ lệ lượng khí carbon dioxide chúng ta thải ra qua mỗi nhịp thở. Những người tỷ lệ trao đổi chất cao thì lượng khí CO2 thở ra nhiều hơn. Ngoài yếu tố CO2, một số hóa chất như Lactic acid (phát ra khi tập thể dục), acetone (trong hơi thở) hay estradiol (sản phẩm phụ của estrogen) đều có thể thu hút muỗi. Về thân nhiệt, muỗi thường châm phụ nữ có thai bởi thân nhiệt của họ thường nóng hơn người bình thường. Bên cạnh đó, với hơn 350 hợp chất tạo mùi mà da người tỏa ra, muỗi cũng dành “ưu tiên” cho những người nhất định, trong đó phải nói đến mùi hương và gene di truyền. Bởi thế, thuốc chống muỗi hiện nay chính là bôi hóa chất lên da để ngăn cản tiết ra mùi mà muỗi thấy hấp dẫn.

Không như chúng ta vẫn nghĩ, muỗi không phải cắn người để tìm kiếm thức ăn. Muỗi cái thích hút máu người để có một loại protein cần thiết cho trứng của chúng phát triển. Nhưng lưu ý khi hoạt động ngoài trời trong mùa hè này: Muỗi có xu hướng bị thu hút với những người đã uống ít nhất 350ml bia, lý do là khi đó người ta thở mạnh hơn khi uống chút bia lạnh và da thì nóng hơn một chút. Điều thú vị nữa là kích thước của vết muỗi cắn không tỷ lệ thuận với lượng máu mà chúng đã hút, đó chỉ là hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng với nước bọt của muỗi.