Tại sao chúng ta cứ phải đi du lịch ngày nghỉ lễ?

ANTĐ - Tất nhiên, khi đặt vé máy bay, vé tầu, khi ngồi lên xe ô tô, tức là lúc đang ở vạch xuất phát, tâm trạng chúng ta phơi phới và hân hoan kiểu rất anh Chí của cụ Nam Cao rằng: đông thì đông ở đâu đó chứ chỗ ta đến chắc... không đông. Nhưng khi "va chạm thực tế" bao ảo tưởng của ta về một ngày nghỉ yên bình và lãng mạn bỗng chốc bị biến thành một cuộc bon chen, ngoa ngôn thì ví đó là một cuộc đua đường trường.

Chúng ta sẽ phải kiên nhẫn chờ để mua được vé, trong khi những người thân yêu ngồi bên cạnh ta thì 9 người 10 ý, và tất cả đều biết search google, và đã từng đến các điểm du lịch kể trên qua "gúc". Đến khi mua được vé nhờ... may mắn chúng ta sẽ gặp phải "cửa ải" đặt phòng. Khách sạn, resort nào cũng kín phòng (không hiểu người đâu ra mà lắm thế), villa- biệt thự ven biển cũng không còn một chỗ trống. Rồi để được đi (hoặc đi cho bằng được) ta "viện" trăm phương ngàn kế. Và gần như là may mắn, khi Công ty Du lịch trả lời: "May quá còn vừa đủ chỗ cho gia đình anh, chị". Ta hân hoan cái hân hoan của người thắng cuộc, dù cái giá phải trả nói thật là rất... đắng lòng.

Tại sao chúng ta cứ phải đi du lịch ngày nghỉ lễ? ảnh 1

Đâu cứ phải xa Hà Nội mới là đi du lịch trong khi Hà Nội lại là một điểm du lịch hấp dẫn - Ảnh Viết Thành

Đi du lịch dịp nghỉ lễ, người đông chao ôi đông, sân bay chật như nêm, ga tàu cũng bội phần đông đúc, quốc lộ đặc kín xe, nối đuôi nhau miết mải đi khỏi Hà Nội.

Đi du lịch dịp nghỉ lễ, một thành phố xa lạ, dài cổ chờ, mỏi tay vẫy, anh tài xế taxi hạ cửa kính xe hỏi: "Chị đi đâu? Trình bày hoàn cảnh một thôi một hồi. Taxi lắc, đi xa thì chở chứ gần quá thì vẫy xe khác đi. Đợi mãi thì đành gọi "xe ôm", bác lái xe nhanh nhẹn, cười phớ lớ, phóng bạt mạng, khách trên xe sợ muốn đứng tim.

Đi du lịch dịp nghỉ lễ, một thành phố xa lạ. Mọi hàng quán đều kín khách. Bước vào một nhà hàng, chủ quán có cái dáng hao hao Tôn Nhị Nương trong Thuỷ Hử lạnh lùng hỏi: "Em có đặt trước không?". Thế đợi nhé! Đợi vêu vao, "Tôn Nhị Nương" thi thoảng đi qua động viên: "Hơi lâu em thông cảm!". 30 phút một món mới lên. Ngao, tu hài sạn câm sạn ngầm. "Tôn Nhị Nương" phân bua: Tại vừa đánh ở biển lên đông khách quá, chưa kịp ngâm nên sạn. Lời phân bua phảng phất hơi hướng quảng cáo hải sản tươi 100%. Rồi cứ chờ, 2 tiếng đồng hồ sau món mì xào dành cho lũ trẻ bếp mới làm xong. Nhân viên chạy bàn long sọc sọc chạy, vã mồ hôi.

Đi du lịch nghỉ lễ, một thành phố xa lạ. Trên một hòn đảo nhỏ, khách du lịch đổ bộ lên đảo, chỉ trong vài giờ đồng hồ, tổng lượng khách gấp 3 lần cư dân bản địa. Trên núi người cũng đông không kém, cáp treo đặc kín người. Tan tành giấc mơ du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, vô tình hình thành tour mới: "Du lịch trải nghiệm". Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng bảo, đại ý rằng, hãy nhìn trời đất học lòng bao dung, nhìn đàn kiến đi để học tính kiên nhẫn, thì nay chỉ cần xếp hàng mua vé và chờ đến lượt lên cáp treo thôi là đã đủ kiên nhẫn dùng dần.

Tại sao chúng ta cứ phải đi du lịch ngày nghỉ lễ? ảnh 2

Hà Nội vắng vẻ thanh bình dịp nghỉ lễ - Ảnh Viết Thành

 Đi du lịch nghỉ lễ, một thành phố xa lạ, bữa sáng ở khách sạn người ăn rào rào như tằm ăn rỗi. Xếp hàng chờ lấy phần trứng ốp lếp mà trong đầu chỉ mơ có bát mì tôm úp- cho nhanh. Ngoài bể bơi, đám trẻ chẳng thiết ăn vui vẻ nô đùa, sự vô tư của chúng làm người lớn không thấy ân hận khi sớm không đi, muộn không đi mà lại đi đúng dịp đông đúc nhất này.

Đi du lịch nghỉ lễ, ở một thành phố xa lạ, lên mạng thấy bức ảnh Hà Nội bình yên vắng vẻ quá đỗi, bỗng thấy trào lên cảm giác nhớ ghê gớm. Vô tình với tay lấy cái điều khiển ti vi và bật, vừa đúng chương trình thời sự. Ti vi đưa tin về  nạn chặt chém du khách ở nhiều khu du lịch, bãi biển Vũng Tàu người đông ngùn ngụt, hệt hình ảnh công viên nước Hồ Tây hôm "được" leo rào miễn phí. Tự dưng lòng trào lên cảm giác vui, vui vì đã không đi trúng những nơi ti vi vừa đưa.