Tại quận Cầu Giấy, Hà Nội: Mương thoát nước biến thành hố rác

ANTD.VN - Là một trong những công trình được thi công vào dịp kỉ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, nhưng đến thời điểm hiện tại, mương thoát nước nằm giữa hai làn đường Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã bị biến thành mương rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Có mặt tại khu vực trên chiều 28-3, chúng tôi chứng kiến hình ảnh một con mương đã được kè hai bên bờ, nằm giữa tuyến đường sạch đẹp, rộng rãi nhưng đặc quánh bởi rác thải. Nước dưới mương đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến bất cứ ai khi đi qua khu vực này cũng phải đưa tay bịt mũi. Điều đáng nói là đoạn mương này lại nằm ngay phía trước 2 trường mầm non và tiểu học Yên Hòa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng dạy và học của thầy và trò.

Bà Nguyễn Thị Vân - người dân sống tại khu vực chia sẻ, thật đáng buồn là một công trình thoát nước được đầu tư xây dựng khá khang trang, lại trở thành điểm đen về ô nhiễm. Mặc dù hiện chưa có đơn vị nào xác định mức độ ô nhiễm ở đây, nhưng bằng mắt thường ai cũng thấy môi trường sống quá bẩn. Dưới lòng mương là vô số các loại rác thải nổi lềnh phềnh khiến những người đi qua không dám nhìn xuống dưới. Đây cũng là nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng chảy, dẫn đến ngập úng, đặc biệt là khi mùa mưa đang đến gần.

“Sống cạnh mương nước ô nhiễm, các hộ dân không khỏi nơm nớp lo sợ trước sự bùng phát của các dịch bệnh như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết. Người dân chỉ còn biết tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên... đeo khẩu trang và đóng kín cửa nhà” - bà Vân cho biết.

Đoạn mương ô nhiễm nằm ngay trước cổng Trường tiểu học Yên Hòa

Còn theo ông Đỗ Đình Đức, người thường xuyên đưa đón con tại Trường Tiểu học Yên Hòa, nước bẩn dưới mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các gia đình và rác thải do những khách vãng lai đi qua khu vực này ném xuống, đặc biệt là vào buổi tối. Do rác bị dồn ứ nhiều song đoạn mương này lại chưa được duy tu, nạo vét lần nào nên rác thải đã trở nên đông cứng.

“Tội nghiệp nhất là các cháu nhỏ ở trường tiểu học và mầm non Yên Hòa phải ngửi mùi hôi thối của con mương hàng ngày, hàng giờ. Trong khi đó, phụ huynh đưa đón con đứng chờ vài chục phút đã cảm thấy nhức đầu, khó chịu. Một số người dân trước đây thường xuyên đi bộ ra khu vực này tập thể dục nay đều tránh đi sang đường khác. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tới chính quyền địa phương về tình trạng này, nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến gì” - ông Đức nói.

Về tình trạng trên, theo ông Đỗ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, hàng tháng, phường vẫn cử cán bộ kiểm tra thường xuyên và định kỳ các hạng mục thoát nước nằm trên địa bàn, thống kê các điểm có nguy cơ ngập úng để chuyển danh sách cho đơn vị thoát nước lên phương án xử lý.

Đoạn mương đặc quánh bởi rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc

Còn về đoạn mương thoát nước nằm giữa hai làn đường Mạc Thái Tổ (đoạn từ cổng làng Yên Hòa đến trường Tiểu học Nguyễn Siêu), công trình này do Ban quản lý dự án thuộc UBND quận Cầu Giấy thi công từ năm 2012, nhưng đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội quản lý. Do vậy, đoạn mương này không được nạo vét thường xuyên khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, một số người dân thiếu ý thức đã vứt rác xuống khu vực này khiến tình trạng ô nhiễm càng thêm nghiêm trọng.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 27-3 vừa qua, UBND phường đã phối hợp với đại diện Xí nghiệp thoát nước số 6 - Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội kiểm tra hiện trường và thống nhất đề nghị Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy sớm hoàn thiện hồ sơ, bàn giao tuyến mương trên cho Thành phố để giao cho đơn vị thoát nước quản lý, đưa vào duy tu, duy trì và nạo vét thường xuyên đảm bảo thoát nước cho toàn bộ khu vực.  "Trong thời gian chờ đợi bàn giao, nếu được giao nhiệm vụ, UBND phường sẽ liên hệ đơn vị chuyên môn có thể làm sạch đoạn mương này ngay trong ngày" - ông Đỗ Ngọc Anh khẳng định.

Hi vọng với động thái trên, đoạn mương thoát nước nằm trên đường Mạc Thái Tổ, phường Yên Hòa sẽ sớm được nạo vét, khơi thông, làm sạch dòng chảy, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân tại khu vực.