Tái phát chạy đua vũ trang

ANTĐ - Công ty phân tích và tư vấn quốc phòng IHS Jane’s ngày 4-2 đã công bố báo cáo đánh giá ngân sách quốc phòng hàng năm cho thấy, bất chấp tình hình kinh tế còn khó khăn tại nhiều quốc gia, chi phí quốc phòng toàn cầu trong năm 2014 dự báo sẽ tăng trở lại sau 5 năm liên tiếp giảm sút. Theo đó, tổng chi tiêu quốc phòng của toàn cầu năm nay dự kiến đạt 1.547 tỷ USD, tăng 0,6% so với năm 2013. 

Tàu sân bay Gerald Ford hiện đại nhất của Mỹ trong lễ hạ thủy đảm bảo cho Mỹ duy trì ưu thế 
trên các đại dương của thế giới

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, ngân sách quốc phòng toàn cầu có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính làm gia tăng chi tiêu quốc phòng toàn cầu là do chi phí quân sự của các khu vực như Trung Đông, châu Á, Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. 

Chi phí vũ trang tăng nhanh nhất trong nhóm các cường quốc hàng đầu thế giới là Trung Quốc khi ngân sách quốc phòng năm 2014 của nước này đạt 148 tỷ USD, tăng khá mạnh so với mức 139,2 tỷ USD của năm 2013. Đến năm 2015, số ngân sách Bắc Kinh chi cho quốc phòng sẽ vượt mặt tổng chi tiêu của Anh, Đức, Pháp cộng lại và sẽ vượt tổng chi phí vũ trang của toàn khu vực Tây Âu vào năm 2024.

Các chuyên gia của IHS Jane’s cho biết ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng mạnh là do nền kinh tế nước này có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong suốt 3 thập kỷ qua. Quy mô và tốc độ của sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã gây ra sự lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực.

Với sự gia tăng mạnh cho chi phí quốc phòng, Trung Quốc đầu tư mạnh để phát triển các loại vũ khí, trang bị để vươn tới tầm cường quốc quân sự toàn cầu như tàu sân bay, máy bay chiến đấu tàng hình, tên lửa đạn đạo… Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên, Trung Quốc đang phát triển những tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới do nước này nghiên cứu, chế tạo.

Đầu tư lớn thứ 3 thế giới vào lĩnh vực quân sự là nước Nga với chi phí 78 tỷ USD năm 2014, tăng so với 68,9 tỷ USD năm 2013. Để bù đắp lại trang bị vũ khí hầu như không được phát triển mới trong suốt 20 năm qua, Nga đã lên kế hoạch tăng mạnh chi phí quốc phòng với tốc độ tăng trung bình 20% mỗi năm để đến năm 2016 sẽ đạt mức 104 tỷ USD. 

Chi phí quốc phòng của Mỹ năm 2014 giảm xuống còn 574,9 tỷ USD, giảm khá mạnh so với mức 664,3 tỷ USD năm 2012. Cho dù vẫn liên tục cắt giảm chi tiêu quốc phòng trong nhiều năm qua song ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn vượt trội so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và mức chi phí này vẫn đảm bảo để cường quốc quân sự số 1 thế giới này phát triển các loại vũ khí hiện đại nhất thế giới mà phần còn lại, kể cả Nga và Trung Quốc, còn lâu mới đuổi kịp.

Trong thế giới thứ ba, Trung Đông - “rốn” dầu và cũng là điểm nóng xung đột nhiều năm nay - là khu vực có tốc độ chi phí quốc phòng tăng nhanh nhất, trong đó riêng Oman và Saudi Arabia trong 2 năm qua đã tăng hơn 30%, riêng ngân sách quốc phòng của Saudi  Arabia đã tăng gấp hơn 3 lần trong 10 năm qua. 

Việc chi phí quốc phòng thế giới gia tăng sau nhiều năm sụt giảm đã dấy lên mối lo ngại về nguy cơ tái phát cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.