Tài năng piano trẻ Nguyễn Việt Trung: Nên gọi em là nghệ sĩ!

ANTĐ - Tài năng piano trẻ Nguyễn Việt Trung - nghệ sĩ được mệnh danh là “cậu bé vàng piano” và được ví như “nghệ sĩ Đặng Thái Sơn thứ hai” của Việt Nam. 

Nguyễn Việt Trung có khả năng biểu diễn độc tấu tuyệt vời và là học trò ưu tú của NSND Đặng Thái Sơn. Mới 16 tuổi nhưng Nguyễn Việt Trung đã sở hữu tới 10 giải thưởng âm nhạc lớn của châu Âu và là một trong 8 tài năng trẻ xuất sắc trên thế giới. Sinh sống và học tập ở Ba Lan từ nhỏ, lần này trở về Việt Nam biểu diễn trong một sự kiện âm nhạc cùng với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, “cậu bé vàng piano” đã chia sẻ về thành công, thất bại, ước mơ, dự định táo bạo dành cho âm nhạc và cả những câu chuyện ngoài âm nhạc, rất vui, rất trẻ con với người thân của mình.

- Chào Nguyễn Việt Trung, em về Hà Nội lâu chưa? 

- Em cũng mới về để chuẩn bị cho đêm hòa nhạc Pastoral Symphony (tên một bản nhạc rất nổi tiếng đã làm say đắm lòng người của Beethoven). Đêm nhạc được diễn ra vào 6, 7-12 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Đây có phải là lần đầu tiên em chơi nhạc ở Việt Nam?

- Trước đó, năm 13 tuổi em đã từng biểu diễn tại Nhà hát Lớn lần đầu tiên.

- Em đã đoạt giải “Nốt nhạc vàng” dành cho tay chơi đàn Mozart hay nhất, Beethoven có phải là nhạc sĩ “ruột” của em?

- Đây cũng là một nhạc sĩ mà em thích, nhưng nhạc sĩ  sở trường của em là Liszt. Tuy nhiên lần này em sẽ chơi bản Concerto số 3 của Beethoven. Đây là một bản nhạc rất vui nhộn và sảng khoái và em cũng rất hào hứng.

- Em nghĩ sao khi mình đang được mọi người ví như một “thần đồng âm nhạc”, “Đặng Thái Sơn thứ hai của Việt Nam”?

- Em không phải là thần đồng âm nhạc, chắc là mọi người quý em quá nên mới gọi như vậy thôi. Còn nếu được gọi là “Đặng Thái Sơn thứ hai” thì em cũng thấy thích. Cũng như nếu ai đó gọi một cậu bé là Nguyễn Việt Trung thứ hai của Việt Nam thì em cũng thích người đó. Nhưng phải nói rằng chú Đặng Thái Sơn là một ngọn núi mà em đang phải với tới.

- Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam có nói rằng em có khả năng độc tấu, biểu diễn tuyệt vời và là một học trò ưu tú của NSND Đặng Thái Sơn? Em học được gì từ người thầy ấy?

- Em cũng đã sang Canada biểu diễn và có học chú Đặng Thái Sơn. Em thấy chú ấy là một người dám hy sinh tất cả cho âm nhạc. Chú Sơn đã dạy em rằng, mỗi khi chơi nhạc, đánh một đoạn nào đó đều phải đặt câu hỏi  tại sao mình lại đánh như thế. Chú Sơn cũng khuyên em nên đi tham quan các bảo tàng để bổ sung cho mình những kiến thức.

- Vậy em có dám hy sinh tất cả không?

- Em nghĩ là em dám hy sinh vì âm nhạc, nhưng em còn phải học nhiều, vì em thấy mình có lúc vẫn còn lười và thật sự em rất thích đá bóng. Trước đây em đã từng ước mơ trở thành cầu thủ đá bóng nhưng ba mẹ và anh em khuyên rằng cầu thủ đá bóng phải có thể lực và chiều cao, còn em thì nhỏ quá.

- Em đã bị NSND Đặng Thái Sơn mắng bao giờ chưa?

- Có rồi ạ. Đến bây giờ em vẫn nhớ như in lần mắng đó. Có một bản nhạc em chơi hay cũng được chú Sơn khen. Nhưng vào năm ngoái khi em sang Canada biểu diễn do hôm đó em có hơi áp lực nên chơi không được như ý muốn. Chú Sơn nghe và bảo rằng nếu chơi như thế thì sẽ trượt luôn. Em ấm ức lắm. Về nhà em ra sức tập chơi thật tốt. Sau này, chú bảo thỉnh thoảng cũng phải cay mũi như thế chứ!

- Hẳn là em không thích sự cay mũi đó?

- Quả thật lúc đầu em cũng không thích nhưng về sau em thấy được giá trị của sự cay mũi đó.

- Em muốn trở thành một người như NSND Đặng Thái Sơn chứ?

- Vâng, tất nhiên là em muốn như vậy rồi. Chú Sơn là một nghệ sĩ rất nổi tiếng. Trong giới âm nhạc Việt Nam và trên thế giới, nhắc đến cái tên Đặng Thái Sơn thì ai cũng biết. Chỉ có điều chú Sơn mà đi Vincom thì không ai nhận ra. Em muốn nổi tiếng theo kiểu ngược lại như vậy.

- Gia đình em không phải là gia đình có truyền thống về âm nhạc, em đến với cây đàn piano như thế nào?

- Đó là một sự tình cờ. Khi chị em đi học nhạc, ba mẹ em đã cho em theo cùng vì lúc đó em mới 5, 6 tuổi không thể ở nhà một mình được. Khi thấy chị em chơi, em thích quá cũng nhảy vào đánh thử. Và cô giáo của chị em đã nói với bố mẹ em rằng nên cho em đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Sau đó thì em cũng được đi học, đi thi các cuộc thi và cũng đoạt một số giải thưởng. Bây giờ thì âm nhạc đã trở thành niềm say mê của em. Ước mơ của em là trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng được đi biểu diễn khắp thế giới.

- Em đã có nhiều thành công, em đã thất bại bao giờ chưa?

- Em đã thất bại và cũng có lúc nghĩ rằng mình sẽ thay đổi con đường đã chọn. Nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua rất nhanh. Rồi em lại chơi nhạc và lại vui trở lại.

- Có điều gì làm em tiếc nuối sau mỗi lần chinh phục những đỉnh cao?

- Có, bây giờ em vẫn rất tiếc. Ba em là người hút thuốc lá. Em muốn ba em bỏ thuốc. Ông có hứa với em rằng nếu em giành giải nhất cuộc thi dành cho các nghệ sĩ trẻ tại Ba Lan thì ông sẽ bỏ thuốc. Đáng tiếc là năm đó em chỉ dành được giải nhì mặc dù cuộc thi năm đó không có giải Nhất. Bây giờ em vẫn phải tiếp tục chinh phục giải nhất để bố em bỏ thuốc lá.

- Em đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới ở những khán phòng lộng lẫy, nơi có những khán giả nghe nhạc mê đắm nhạc cổ điển. Khi về Việt Nam điều kiện trình diễn không được như vậy, khán giả nghe nhạc cổ điển cũng không nhiều. Cảm xúc của em mỗi lần chơi nhạc như vậy có khác nhau không?

- Em luôn có cảm giác là dù đi đâu biểu diễn thì cũng phải về Việt Nam diễn đã. Không hiểu sao trong đầu em lúc nào cũng thôi thúc em về Việt Nam biểu diễn.

- Nếu giả sử em phải biểu diễn cho một chương trình ở Việt Nam mà em biết chắc rằng mức thù lao rất thấp, thì em có còn hứng thú không?

- Khi biểu diễn em chỉ nghĩ đến âm nhạc chứ không nghĩ đến một điều gì khác.

- Nếu khi biểu diễn mà nhìn xuống khán giả vắng hoe thì sao?

- Chỉ cần có một người nghe em vẫn chơi được.

- 6 tháng tuổi đã ở Ba Lan, sinh sống và học tập tại đó, sau này em có ý định về Việt Nam chơi nhạc hay không?

- Em muốn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng đi biểu diễn khắp thế giới. Để cống hiến cho Việt Nam không có nghĩa là chỉ biểu diễn ở Việt Nam.

- Em có ước mơ hay có dự định gì cho âm nhạc cổ điển Việt Nam hay không?

- Em đang dự định khoảng 2 năm nữa sẽ trở về Việt Nam dự thi một cuộc thi âm nhạc nào đó. Để sau này em muốn xây dựng một trường nhạc ở Việt Nam mang tên Nguyễn Việt Trung- người đã đạt giải tại cuộc thi âm nhạc danh tiếng nào đó ở Việt Nam chẳng hạn (cười).

- Nói về âm nhạc nhiều quá rồi, trò chuyện về ngoài âm nhạc một chút nhé! Điều gì làm em thấy thích thú ở Hà Nội?

- Xe máy. Em rất thích sự sôi động ở Hà Nội. Mỗi khi về Việt Nam là em lại thấy được thay đổi không khí. Ở Ba Lan không có không khí đó, mọi người rất bình lặng.

- Em có thích ngồi ăn ở vỉa hè Hà Nội không?

- Có nhưng em chưa quen. Em vẫn thường đi với chị Linh (Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh là chị dâu của Nguyễn Việt Trung - pv), chị ấy vẫn ngồi và vẫy vẫy và gọi chị ơi chị ơi, nhưng em thì chưa quen như thế. Nhưng phải nói ăn ở vỉa hè cũng ngon.

- Em có hay đi chơi với chị dâu của mình không? Điều gì của chị Linh làm em thích?

- Chị Linh là một người nổi tiếng. Chị ấy rất  năng động. Khi em buồn chị cũng hay nói chuyện với em. Mỗi khi anh chị ấy sang Ba Lan em rất thích. Vì anh thường đi chơi điện tử với em, còn chị sang là  trong nhà có tiếng nói.

- Đã bao giờ em nghe theo lời khuyên của chị Linh?

- Vừa rồi em muốn tập trung sức lực cho chương trình biểu diễn sắp tới tại Việt Nam nên em đã định bỏ một cuộc thi âm nhạc ở Đức. Nhưng chị Linh đã nói với em rằng cần phải đi ra thế giới thì mới biết mình đang ở đâu. Thế là em đã thay đổi ý định.

- Nếu như những người không thích nghe nhạc giao hưởng, vì họ nghĩ rằng đây là dòng nhạc khó có thể chạm tới,  em sẽ nói gì để thay đổi họ?

- Hôm qua em có tới Nhạc viện thì gặp một cậu bé đang khóc, chắc vì không muốn đi học. Em thấy thương cậu bé ấy quá. Trước đây em cũng đã từng khóc. Em khóc không phải vì em không thích âm nhạc mà khóc vì em sợ cô giáo quá. Em cũng định đến nói với cậu bé ấy điều gì nhưng thật sự là em không biết nói thế nào. Có lẽ với nhạc giao hưởng nếu không thích thì thật là khó nói. Với em chỉ có cách duy nhất là khi chơi nhạc sẽ chọn những bản nhạc phổ biến, cách chơi thật vui nhộn để thu hút họ.

- Em nói rằng ước mơ của em là trở thành người nổi tiếng đi biểu diễn khắp thế giới, em hình dung  thế nào về sự nổi tiếng? 

- Em thích là người nổi tiếng, nhưng em thấy ở trên mạng có một người nổi tiếng đã nói rằng có lúc ông muốn trở thành một người bình thường. Em đang suy nghĩ tại sao ông ấy lại nói như vậy. Có phải vì quá nổi tiếng nên đi đâu ông cũng bị mọi người săn đuổi hay không, hay vì là người nổi tiếng thì phải giữ gìn hình ảnh của mình và không được phép làm sai một điều gì…

- Em muốn nổi tiếng và được nhiều người biết đến, vậy em thích được gọi là một nghệ sĩ hay là một ngôi sao?

- Em muốn được gọi là nghệ sĩ hơn. Ở nước ngoài em vẫn được gọi là nghệ sĩ. Hơn nữa dòng nhạc mà em theo đuổi thì dùng từ nghệ sĩ hợp hơn, từ ngôi sao nên dùng cho nhạc Pop. Mới lại em chuẩn bị biểu diễn ở một chương trình hòa nhạc lớn thế thì nên gọi em là nghệ sĩ.

- Cảm ơn em, chúc em có một buổi biểu diễn thành công tại Việt Nam.