Tài năng không có “đất” sống?

ANTĐ - Những tài năng bóng đá gốc Việt khi về nước đều trong tâm trạng rất hân hoan, nhưng lúc ra đi lại “không kèn, không trống”. Không phải do năng lực, mà hầu hết đều “không chịu được môi trường” làm việc ở đây.

Michal Nguyễn liệu có đủ “sức” để tồn tại ở Việt Nam?

Thông tin cầu thủ Việt kiều Michal Nguyễn sắp thử việc tại ĐTVN ít nhiều khuấy động bầu không khí ảm đạm vốn đang bao trùm bóng đá Việt Nam thời gian qua. Những thông số lý tưởng về thể hình, khả năng chơi bóng đa năng, tư duy chiến thuật hiện đại… của Michal được giới chuyên môn đánh giá cao và kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho đội tuyển.

Thật ra Michal không phải Việt kiều đầu tiên thử việc tại đội tuyển. Trong quá khứ, những Ludovic Casset, Tony Lê Hoàng, Nguyễn Thanh Giang, Patrick, Emil Lê Giang, Mạc Hồng Quân cũng đã tới đây. Song đáng buồn là tất cả đều không thể trụ lại vì những lý do ngoài chuyên môn.

Cũng giống như Michal hiện tại, Lee Nguyễn được gia đình hết lòng ủng hộ cống hiến cho bóng đá quê hương. Thế nhưng, cầu thủ từng tỏa sáng trong màu áo PSV Eindhoven mau chóng bị “bức tử” bởi những “luật bất thành văn” tại V-League. Để rồi, rời bóng đá Việt Nam, Lee lập tức tỏa sáng rực rỡ khi thi đấu ở giải VĐQG Mỹ MLS. Xót xa cho tài năng của Lee Nguyễn bị uổng phí mà không khỏi âu lo cho Michal Nguyễn hiện tại.

Chưa bao giờ, VFF phải đối mặt với làn sóng ngầm “tẩy chay” ghế HLV trưởng từ phía các đội bóng lớn như lúc này. VFF hết đề nghị bằng văn bản cho đến ngỏ lời mời và thậm chí cả năn nỉ các ứng viên, CLB chủ quản song đều thất bại. Người viện lý do công việc CLB bề bộn để từ chối khéo, người thẳng thừng: “VFF trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế, ai dám làm”. Lên nắm đội tuyển luôn là khát khao của bất cứ HLV nào và chưa bao giờ khát khao đó nguội lạnh. Thế nhưng, nhìn vào gương những người tiền nhiệm, hay cái cách VFF đối xử với các ứng viên khác, chẳng HLV nào đủ dũng cảm để “chơi dao” cùng VFF - con dao mà VFF luôn muốn giữ đằng chuôi. VFF đang thực sự bấn loạn trong cuộc tuyển chọn, song đó cũng là hậu quả mà họ xứng đáng phải nhận.

Ở những nền bóng đá phát triển, việc phát triển tài năng được đặc biệt coi trọng và trở thành bí quyết dẫn tới những thành công. Chỉ nhìn sang những nước láng giềng như  Singapore hay Philippines, những tài năng trở về đóng góp cho quê hương luôn nhận được sự ủng hộ, đi kèm chính sách đãi ngộ thiết thực từ Liên đoàn bóng đá quốc gia đó.

Trở lại với câu chuyện của tài năng Michal Nguyễn, ngay cả việc đối xử với những tài năng trong nước cũng đã chẳng được VFF làm đến nơi đến chốn, thì làm sao mong đến việc kêu gọi được những tài năng gốc Việt cống hiến tận tâm và hết lòng cho Tổ quốc.