Tai nạn trong trường học: Không thể chỉ coi là sự cố

ANTĐ - Chỉ trong năm 2014 đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn tại các trường học. Trong số đó, có những học sinh đã ra đi vĩnh viễn. Thực trạng này cho thấy vấn đề an toàn học đường đang ở mức báo động.

Tai nạn trong trường học: Không thể chỉ coi là sự cố ảnh 1Hiện trường vụ bồn chứa nước bị đổ sập làm 1 học sinh bị thương, 2 em tử vong

Những cái chết không được báo trước

Đầu tháng 1-2014, tại một trường THCS thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong giờ ra chơi, nhóm học sinh đang chơi tại tầng 2 thì bất ngờ lan can bị đổ sập. Do đứng khá gần, 3 học sinh lớp 6 không chạy kịp đã bị toàn bộ khối lan can đè lên người khiến các em bị thương khá nặng.

Giữa tháng 9 năm nay, tại trường Tiểu học Diễn Tháp (Nghệ An), trong lúc vui đùa trên sân trường, bồn chứa nước đổ sập làm 3 học sinh bị thương, trong đó 2 em tử vong tại chỗ. Trước đó 4 tháng, trong lúc giáo viên trường Mầm non Sơn Ca (quận 9, TP. HCM) đưa  học sinh tham quan công trình Thư viện Xanh nằm trong khuôn viên trường Tiểu học N.M.Q thì bất ngờ cánh cửa bằng bê tông của thư viện đổ sập, đè lên người cháu N.T.D khiến cháu tử vong sau đó.

Cuối tháng 11-2014, tại trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội), vào giờ ra chơi, khi đang đứng trên ghế gần cửa sổ lớp, em V - 7 tuổi  bị bạn trêu, dùng dây rèm cửa quấn ngang cổ. Không may ghế đổ, V đã bị dây rèm thít chặt cổ và treo lơ lửng. May mắn, do được cấp cứu kịp thời và đúng kỹ thuật, V đã thoát chết. Còn tại tỉnh Hà Nam, một vụ tai nạn hy hữu đã xảy ra tại trường THPT Kim Bảng A khi cây phượng vĩ 40 năm tuổi bật gốc đổ xuống sân trường trong giờ chào cờ, đè lên 6 học sinh khiến các em phải nhập viện.

Ngay trong tháng cuối cùng của năm 2014, chỉ trong vòng 10 ngày, tại quận Gò Vấp, TP.HCM đã xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 2 học sinh tử vong tại trường học. Sáng 20-12, tại trường THCS An Nhơn, em D.T - học lớp 7 leo lên tay vịn cầu thang tuột xuống nhưng bị trượt tay rơi xuống bậc thềm và bất tỉnh. Dù đã được đưa đi cấp cứu song T không qua khỏi. 10 ngày trước đó, tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, một học sinh lớp 1 cũng đã tử vong khi bị chiếc tủ gỗ ép đựng chăn gối trong phòng ngủ bán trú đè lên người. 

Tai nạn trong trường học: Không thể chỉ coi là sự cố ảnh 2Sân trường phải bằng phẳng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh

Công tác phòng ngừa bị xem nhẹ 

Dù có nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra nhưng trong nhiều trường học, vẫn có không ít công trình, thiết bị đang được sử dụng như tủ đựng đồ, ghế đá, lan can, cầu trượt, xích đu, máy chiếu, quạt sưởi, điều hòa… không được bất cứ ai kiểm tra về độ an toàn, đặc biệt là những thiết bị do cha mẹ học sinh “tặng”. Có không ít hạng mục, thiết bị đã bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, thay thế. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý sự cố, khắc phục hậu quả cũng chưa được chú trọng, bởi hầu hết các trường tuy có nhân viên y tế học đường nhưng phần lớn là y tá, chưa có nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp.

Cô Nguyễn Thanh Thùy - Hiệu trưởng một trường Mầm non ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, có thể giảm thiểu tai nạn nếu nhà trường, phụ huynh và học sinh có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Để hạn chế tai nạn do ngã, sân trường phải bằng phẳng, không trơn trượt, cửa sổ phải có chấn song, hành lang, lan can, cầu thang phải có tay vịn, trường phải có cổng, hàng rào được thiết kế cao và chắc chắn, học sinh cần được hướng dẫn về Luật an toàn giao thông... Bên cạnh đó, nhà trường cần cảnh báo học sinh không nên đến những khu vực nguy hiểm như bể nước, các công trình đang xây dựng... Các trang thiết bị, vật dụng trong trường, lớp phải thiết kế phù hợp với chiều cao, độ tuổi của học sinh. Việc giáo dục kỹ năng cơ bản cho trẻ trong trường hợp gặp tai nạn cũng cần tiến hành thường xuyên.

Về xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong các vụ tai nạn tại trường học, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, điều 627 Bộ luật Dân sự quy định, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại, nếu để sụp đổ, hư hỏng gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Do vậy, người nhà nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa, yêu cầu nhà trường bồi thường thiệt hại về vật chất (gồm chi phí cứu chữa, mai táng…) và tinh thần cho gia đình nạn nhân. Trường hợp xác định được người nào đó trong trường đã từng thấy những trang thiết bị, cơ sở vật chất của trường đã hư hỏng hoặc có khả năng gãy, đổ, gây hại cho học sinh mà không cảnh báo thì người đó có thể bị kỷ luật theo quy chế, nội quy của nhà trường, thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự...