Lỗi chủ quan khiến tai nạn giao thông thêm trầm trọng:

Tai nạn thảm khốc từ việc lái xe cố tình lấn làn, đi sai làn

ANTD.VN - Vạch phân làn đơn giản là phân định ranh giới của các phương tiện tham gia giao thông trên đường. Nó giống như một bức tường mềm dựng lên ý thức của các lái xe, nhằm đảm bảo an toàn. 

Tuy nhiên, thay vì chấp hành quy định, nhiều lái xe cố tình lấn làn, đi sai làn để rồi hậu quả là những vụ tai nạn thảm khốc...

Nguồn gốc của những vụ tai nạn nghiêm trọng

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đoạn từ Hà Nội đến Hà Nam cũng chỉ vài chục kilomet, nhưng lâu nay lại là nỗi sợ hãi của không ít lái xe khách, xe tải. Vài năm trước, khi xe máy, mô tô vẫn còn được lưu thông trên tuyến đường này, tai nạn giao thông (TNGT) liên tiếp xảy ra bởi xe máy, mô tô lạng vào làn đường dành cho ô tô. Kể từ khi mô tô, xe máy được “gom” vào Quốc lộ 1A, những vụ TNGT liên quan đến xe máy tại Pháp Vân - Cầu Giẽ mới dứt. 

Mặc dù vậy, nhiều vụ TNGT liên quan đến xe khách, xe tải  liên tục xảy ra và một trong những nguyên nhân chính là các lái xe đi sai làn, tránh, vượt sai quy định. Có những vụ TNGT  xe đã dừng ở vệ đường vẫn bị xe khách húc vào đuôi xe, khiến nhiều người chết và bị thương. Thậm chí, nhiều xe khách tránh vượt sai quy định còn lao cả xuống hồ nước ở vệ đường. 

Theo Trung tá Nguyễn Trung Thành, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, trên địa bàn đơn vị quản lý có các bến xe lớn như bến xe Mỹ Đình... Dọc trục đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng là các tuyến đường huyết mạch, có phân làn rõ ràng cho các loại phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều lái xe vẫn cố tình vi phạm. Trong năm 2017, đơn vị đã xử phạt 153 trường hợp đi sai làn, sai phần đường, trong đó xe mô tô chiếm tới 101 trường hợp, tiếp đến là xe con, xe tải.

“Có những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra xuất phát từ việc lái xe đi sai làn. Việc xử phạt đối với những lái xe vi phạm lỗi sai làn hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn, bởi trên thực tế công tác chống ùn tắc trong giờ cao điểm hiện nay đã “ngốn” rất nhiều lực lượng” - Trung tá Nguyễn Trung Thành cho biết. Thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cho thấy, trong năm 2017 mới xử lý 2.718 trường hợp đi sai phần đường.

Đối với những người làm công tác khám nghiệm TNGT, theo họ  số vụ lái xe đi sai làn chiếm tỷ lệ rất cao. Con số này càng tăng nhất là ở các tuyến quốc lộ, cao tốc. Tốc độ cao, làn dù đã phân nhưng các lái xe vẫn cố tình tránh vượt sai quy định dẫn đến nguy cơ xảy ra TNGT nghiêm trọng. Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Khám nghiệm điều tra TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết: “Qua phân tích các vụ TNGT cho thấy, lỗi không chú ý quan sát và sai phần đường chiếm tỷ lệ cao nhất (lần lượt là 25,62% và 21,20%)  trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến TNGT”. 

Thực tế trong năm 2017, có tới 148 số vụ ô tô và 154 vụ xe máy bị TNGT với lỗi sai phần đường. Đáng chú ý, khung thời gian xảy ra tai nạn tập trung chủ yếu từ 12h trưa đến 22h đêm. Nhiều vụ việc lái xe đi sai làn, đi ngược chiều đã bị CSGT Hà Nội xử phạt nguội. Thống kê có tới 375 vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ, cao gấp đôi là 601 vụ TNGT xảy ra ở đường nội thị, trong đó nguyên nhân do đi sai phần đường, làn đường chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tai nạn thảm khốc từ việc lái xe cố tình lấn làn, đi sai làn ảnh 2Người vi phạm giao thông đi sai làn đường rất nguy hiểm

Chặn đứng mọi nguy cơ

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) bày tỏ lo lắng, bức xúc trước những vi phạm của các lái xe, nhất là lỗi vi phạm đi sai làn đường. Tại các tuyến cao tốc, vận tốc quy định cho các phương tiện rất cao. Ở những tuyến đường này đều được phân làn, kẻ vạch sơn quy định rõ ràng từng làn đường dành cho các loại phương tiện cụ thể. Dù đã rạch ròi làn đường, vận tốc, nhưng vẫn có không ít lái xe cố tình vi phạm.

Đây chính là nguyên nhân khiến đa số những vụ TNGT xảy ra trên cao tốc đều để lại hậu quả nặng nề. Không những vậy, còn có nhiều lái xe bất chấp nguy hiểm, tính mạng của bản thân và người khác đi ngược chiều. Những lái xe khách đi ngược chiều ở tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Bắc Giang… trong thời gian qua đã bị CSGT xử lý nghiêm. 

“Không thể hiểu nổi vì sao họ lại có thể hành động như vậy, khi đằng sau vô lăng là tính mạng của hàng chục hành khách; đồng thời trước mặt là hàng trăm, hàng nghìn phương tiện đang đi đúng chiều đường, mà họ vẫn cố tình lao đến. Đối với những trường hợp này, chế tài xử phạt bằng tiền và tước Giấy phép lái xe có lẽ chưa đủ sức răn đe. Phải cấm vĩnh viễn các lái xe vi phạm mới chặn đứng được TNGT thảm khốc” -Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nêu quan điểm.

Không chỉ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng, việc đi sai làn, sai phần đường còn khiến gia tăng các điểm ùn tắc giao thông kéo dài. Đại úy Trần Quang Chinh - Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây ùn tắc, TNGT phần lớn là do lái xe đi sai làn, đi không đúng phần đường quy định, hoặc chuyển làn đường không có tín hiệu. Đây là lỗi vi phạm mà lực lượng CSGT xử phạt không xuể, vì còn phải chia nhân lực thực hiện việc điều tiết giao thông tại các chốt “nóng” về ùn tắc. Thậm chí khi có CSGT đứng ra phân luồng, nhiều lái xe vẫn cố tình vi phạm, tự ý lưu thông theo ý thích của mình, dẫn đến ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, nhất là trong giờ cao điểm, dịp lễ, Tết.

Trung tá Vũ Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - CATP Hà Nội nhìn nhận: “Tình trạng vi phạm đi sai làn, sai phần đường của nhiều lái xe hiện nay càng khiến cho nỗ lực giải quyết ùn tắc của CSGT thêm khó khăn. Muốn biết thực trạng đi sai làn, sai phần đường hiện nay ra sao, chỉ cần nhìn 4 phía ngã tư của tất cả các đoạn phố. Thay vì đi đúng làn đường, người tham gia giao thông cứ ùn ùn từ dưới lên, lấn hết phần đường của các phương tiện đi theo hướng ngược lại. Thế nên, để xử phạt các vi phạm này là rất khó khăn”.  

(Còn tiếp)