Tai nạn lao động tăng đột biến

ANTĐ - Do sức ép đẩy nhanh tiến độ tại các công trường, người lao động muốn tăng năng suất lao động để tăng thu nhập, người chủ muốn tăng doanh thu, sản lượng sản xuất trong thời điểm cuối năm, khiến cho số vụ tai nạn lao động vào thời gian này tăng cao.

Cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn tại BV Việt Đức


Muôn vàn kiểu tai nạn

Chiều 29-12, bệnh nhân T.X.Ch., 29 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) được xuất viện sau gần 10 ngày phải điều trị, phẫu thuật tại BV Việt Đức vì một ca tai nạn lao động khá hi hữu. Trước đó, ngày 20-12, khi đang lái máy xúc tại công trường, do bất cẩn nên xe bị đổ. Anh Ch. vội nhảy xuống tránh sang một bên nên không bị máy xúc đè lên người. Dù vậy, một phần thân máy xúc vẫn sượt qua đầu anh lột gần như toàn bộ phần da trên đầu, lộ cả xương sọ. Ngay lập tức anh Ch. được đưa đến BV huyện băng bó cầm máu rồi chuyển thẳng tới BV Việt Đức.

Bác sĩ Đào Văn Giang, khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình (BV Việt Đức) cho biết, khi vào viện bệnh nhân Ch. bị nhợt do thiếu máu, bị lóc toàn bộ da đầu, vùng trán, đỉnh chẩm, chỉ còn sót lại cuống da khoảng 4cm vùng trên tai trái. Ngay lập tức, anh Ch. được chỉ định phẫu thuật nối da đầu bằng vi phẫu.

Bác sĩ Giang cho biết hầu hết các tai nạn lóc da đầu xảy ra trong quá trình lao động, do người lao động bất cẩn, không được trang bị các thiết bị bảo hộ an toàn. Thống kê của BV Việt Đức cho thấy, tai nạn lao động chiếm tỷ lệ cao và gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhiều nhất là tai nạn trong xây dựng như ngã giàn giáo, tường đổ. Tháng cao điểm, BV tiếp nhận đến hơn 30 ca vào cấp cứu.

Tai nạn bỏng điện trong lao động cũng gia tăng đáng kể trong những tháng cuối năm. Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - BV Xanh Pôn cho biết, giữa tháng 11 vừa qua, BV đã liên tiếp tiếp nhận 2 bệnh nhân bị tai nạn bỏng điện rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn Đ., 19 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong lúc cùng người chú đưa thanh sắt lên ghép cốt pha một công trình xây dựng thì bất ngờ dòng điện cao thế cạnh đó phóng thẳng vào thanh sắt. Người chú bị hất xuống đất, tử vong tại chỗ, còn anh Đ. bị ngất vì bỏng nặng, khi vào viện buộc phải cắt cụt cả 2 tay. Bệnh nhân khác là Hoàng Quốc V., (27 tuổi, ở Nam Định) bị bỏng điện, cháy xém gần như toàn bộ mặt trước cơ thể trong khi đang thực tập tại một công trường. Bác sĩ Thống cảnh báo, tai nạn bỏng điện thường xảy ra nhiều vào dịp cuối năm, đây là thời điểm nhiều công trình xây dựng gấp rút hoàn thiện.

Tự bảo vệ chính mình

Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2011, trên toàn quốc đã xảy ra 3.531 vụ tai nạn lao động, làm 3.642 công nhân bị nạn, trong đó có 233 vụ gây chết người với 273 công nhân lao động thiệt mạng, 544 người bị thương nặng. Những tháng cuối năm 2011, tình hình tai nạn lao động có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn, nhất là sự gia tăng những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng. Phía Cục An toàn lao động (ATLĐ) - Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, 3 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn lao động chết người hiện nay là: người lao động không được huấn luyện về ATLĐ; không có quy trình, biện pháp ATLĐ và thiết bị không đảm bảo an toàn; vi phạm quy trình, biện pháp ATVSLĐ. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm có nhiều ngành nghề sản xuất theo thời vụ phục vụ Tết Nguyên đán hoạt động mạnh, lao động trong các cơ sở này thường không được tập huấn, không được bảo hộ lao động, kiến thức về ATVSLĐ hạn chế nên tai nạn rất dễ xảy ra.

Được biết, trong những thời điểm “nhạy cảm” như trước Tết Nguyên đán hàng năm, Bộ    LĐ-TB-XH đều có công văn nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương về vấn đề đảm bảo ATVSLĐ. Tuy nhiên, việc thực hiện các chỉ đạo này ra sao lại xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong công tác bảo hộ lao động, tiếp đến là sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương chủ quản. Vì vậy, để hạn chế số vụ và số ca tử vong do tai nạn lao động thời điểm cuối năm, người lao động cần tự nâng cao ý thức đảm bảo ATLĐ, chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATLĐ động để tự bảo vệ cho chính mình.