Tai nạn giao thông thảm khốc: Phải xử lý cả doanh nghiệp vận tải ép lái xe vì lợi nhuận

ANTD.VN - Nhận định về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc ở Long An vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, do lỗi chủ quan của lái xe.

Một nạn nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Long An làm 4 người chết, 16 người bị thương vừa qua, sáng nay, 4/1/2019, tại Hội nghị trực tuyến về công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn; đồng thời yêu cầu tỉnh Long An, TP. HCM chỉ đạo ngành y tế bố trí tối đa đội ngũ y bác sỹ, phương tiện để cấp cứu người bị nạn; đồng thời xử lý nghiêm với lái xe, chủ xe vi phạm.

“Cách đây đúng 1 năm, chiều 2/1/2018, tại Hà Giang, chúng ta đã vô cùng đau buồn trước một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra làm 5 người chết. Và hôm nay, vụ tai nạn tại Long An cũng tương tự”- Phó Thủ tướng bày tỏ.

Lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia thăm hỏi nạn nhân trong vụ tai nạn thảm khốc ở Long An

Thông tin thêm về vụ tai nạn thảm khốc tại Long An, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong 5 nạn nhân bị thương nặng thì có 4 nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, 1 nạn nhân có nguy cơ không qua khỏi.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh này, QL1 qua địa bàn tỉnh Long An nói chung và qua huyện Bến Lức nói riêng có nhiều khu  công nghiệp, mật độ phương tiện lưu thông rất đông, lại lưu thông hỗn hợp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Do đó, tỉnh này kiến nghị nâng cấp, mở rộng QL1 qua địa bàn tối thiểu lên 4 làn xe, trong đó có làn dành riêng cho xe gắn máy.

Ngoài ra, số lượng xe container kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh cũng tăng rất nhanh. Giai đoạn 2016-2017 toàn tỉnh chỉ có 20-30 xe nhưng năm 2018 đã tăng lên gần 100 xe. Bởi bậy, kiến nghị Bộ GTVT cần nghiên cứu, xem xét lại điều kiện kinh doanh loại hình vận tải này.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thảm khốc ở Long An là do lỗi chủ quan của lái xe. “Gần 8 tiếng sau lái xe mới ra trình diện mà trong máu vẫn còn nồng độ cồn, lại dương tính với ma túy. Rồi, chủ xe cũng phải có trách nhiệm liên đới, vì làm ngơ, giao phương tiện cho lái xe nghiện ma túy”. Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, cần tập trung giám sát xử nghiêm những nhà xe ép lái xe xoay vòng nhanh để hưởng lợi.

“Bộ GTVT rà soát lại quy định, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra giám sát đối với lái xe đường dài, thời gian nghỉ phải đúng quy định của lái xe. Bên cạnh đó, phải xem xét, rà soát lại hệ thống trạm dừng nghỉ cho lái xe dọc các tuyến quốc lộ, đặc biệt cần hoàn thiện quy định xử nghiêm doanh nghiệp ép tài, không để chạy thâu đêm suốt sáng”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Hơn 8.200 người tử vong trong năm 2018

Về tình hình TNGT trong năm 2018, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, trong năm 2018 (tính từ ngày 16/11/2017 đến 15/11/2018) toàn quốc xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ TNGT giảm 1.348 vụ (giảm 6,71%), số người chết giảm 33 người (giảm 0,40%), số người bị thương giảm 2.238 người (giảm 13.13%). Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do TNGT là 1.442 người (chiếm 6,6%), giảm 194 người (11,85%) so với năm 2017 (1.636 người).

Năm 2018, có 18 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 6 tỉnh tăng trên 10% là: Thừa, Thiên - Huế, Hải Dương, Cao Bằng, Kiên Giang, Hậu Giang, Bắc Giang; trong đó, có 3 tỉnh có số người chết tăng trên 20% là: Kiên Giang, Hậu Giang và Bắc Giang.

Nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (25,42% - tăng nhẹ so với cùng kỳ 2017, 24,86%); 7,73% do vi phạm tốc độ xe chạy; 10,37% do chuyển hướng không chú ý; 7,7% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 3,36% do sử dụng rượu bia; còn 30,07% số vụ TNGT chưa xác định nguyên nhân cụ thể.

Về lĩnh vực hàng không dân dụng, năm 2018 xảy ra 80 sự cố; trong đó có 2 sự cố nghiêm trọng (mức B), 8 sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C), 70 sự cố uy hiếp an toàn (Mức D). So với năm 2017, sự cố nghiêm trọng mức B tăng 100%, sự cố mức C giảm 16,9%, sự cố mức D tăng 9,1%.

Năm 2018, thống kê cũng cho thấy, cả nước xảy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 137 người chết, 115 người bị thương. Đặc biệt, trong quý 3-2018 đã xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách tại Kon Tum (16/6/2018), Cao Bằng (23/7/2018), Quảng Nam (30/7/2018) và Lai Châu (15/9/2018) làm 34 người chết, 37 người bị thương, đặc biệt là vụ TNGT tại Quảng Nam và Lai Châu có số người tử vong/vụ lớn nhất (13 người) trong 4 năm trở lại đây (kể từ vụ TNGT tại Lào Cai ngày 1/9/2014).