Tai nạn giao thông: Giảm nhưng thiếu bền vững

ANTĐ - Năm thứ tư liên tiếp, Việt Nam giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy vậy, số người thương vong do TNGT hàng ngày vẫn nhức nhối, trung bình một ngày có 24 người tử vong vì TNGT. Theo nhìn nhận, TNGT ở Việt Nam đã giảm nhưng chưa bền vững.

Tai nạn giao thông: Giảm nhưng thiếu bền vững ảnh 1Mỗi ngày vẫn có 24 người ra đi và không bao giờ về nhà vì TNGT

1 ngày, 24 người chết

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay, trong tháng 11, cả nước đã xảy ra 2.191 vụ TNGT, làm 786 người tử vong, 2.128 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 264 vụ (-10,75%), giảm 11 người chết (-1,38%), giảm 333 người bị thương (-13,53%).

Trong 11 tháng của năm 2015, toàn quốc đã xảy ra 20.628 vụ TNGT, làm chết 7.971 người, làm bị thương 18.883 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.628 vụ (-11,30%), giảm 301 người chết (-3,64%), giảm 3.551 người bị thương (-15,83%). Nếu so sánh số liệu năm 2015 với 2011 thấy rằng, số vụ TNGT đã giảm 51%, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do TNGT đã giảm gần 24% trong điều kiện phương tiện giao thông và nhu cầu vận tải tăng cao. “Dù TNGT vẫn giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng số người chết giảm không đáng kể so với năm 2014. Điều này cho thấy, việc kiềm chế, kéo giảm TNGT ở nước ta vẫn chưa thực sự bền vững”, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận. 

Đánh giá về kết quả đảm bảo ATGT năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc kéo giảm được số người tử vong do TNGT xuống dưới 9.000 người mỗi năm (2014 và 2015) là chúng ta đã giảm được bao đau thương, mất mát cho nhiều gia đình và toàn xã hội. “Tuy chúng ta đã nỗ lực kéo giảm TNGT nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Mỗi năm vẫn có 9.000 người tử vong, bình quân mỗi ngày cả nước có 24 người ra đường và vĩnh viễn không bao giờ trở về nhà vì  TNGT”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh vận tải phát triển mạnh mẽ, áp lực phương tiện gia tăng đã khiến việc đảm bảo ATGT đứng trước nhiều thách thức, nhất là những hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Quản lý Nhà nước còn tồn tại nhiều bất cập trong đào tạo sát hạch lái xe, trong quản lý đăng kiểm, vẫn còn phương tiện chất lượng kém lưu thông, lái xe nghiện ma túy… Trong khi đó, ý thức chấp hành giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao, phóng  nhanh vượt ẩu… “Muốn ATGT bền vững trước hết phải giáo dục ý thức, văn hóa pháp luật cho người tham gia giao thông”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Nhanh chóng đưa CNTT vào quản lý ATGT

Tại Hội nghị ATGT do Ủy  ban ATGT Quốc gia tổ chức, diễn ra ngày 26-11 tại Hà Nội, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông có xu hướng tăng lên và diễn biến phức tạp.

Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Trung tâm nghiên cứu ATGT, Học viện Cảnh sát nhân dân thông tin, khảo sát của Trung tâm nghiên cứu ATGT về tình hình TNGT trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố cho thấy, số người chết do TNGT liên quan đến rượu bia tăng khá nhanh. Cụ thể, năm 2010 có 79 người chết, 113 người bị thương; năm 2011 có 104 người chết, 92 người bị thương thì đến năm 2014 đã có 103 người chết, 18 người bị thương. TS Lê Thị Tuyết Mai nhìn nhận: “Có đến 77,13% số vụ người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia điều khiển xe máy gây tai nạn. Đáng chú ý, hầu  hết các vụ việc đều được xử lý vi phạm hành chính, chỉ có 20,85% vụ tiến hành truy tố. Điều này cho thấy công tác xử lý chưa đủ sức răn đe”.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an tiếp thu các kết quả nghiên cứu về kiểm tra nồng độ cồn theo thông lệ quốc tế; học tập kinh nghiệm kiểm tra nhanh nồng độ cồn không dùng thiết bị; các kinh nghiệm về tập huấn kỹ năng cho lực lượng thực thi công vụ, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, xử phạt nguội; các kinh nghiệm kết hợp giữa xử lý vi phạm và tuyên truyền để triển khai cụ thể.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng đánh giá kết quả dự án triển khai thí điểm hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự ATGT theo hình thức xã hội hóa, làm căn cứ để mở rộng triển khai trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt cơ chế, cho phép trích nguồn thu phí sử dụng đường bộ hàng năm để thuê lại các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ đảm bảo ATGT.