Tai nạn giao thông giảm nhưng thiếu bền vững

ANTĐ - Tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2012 dù được đánh giá đã có chiều hướng giảm trên cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, nhiều người cho rằng, xu hướng giảm chưa có tính bền vững. 

Ý thức kém khi tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông

Gần 7.000 người chết vì TNGT

Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, 9 tháng qua, cả nước xảy ra 23.619 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.908 người và hơn 25.000 người bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm gần 9.500 vụ; giảm 1.502 người chết và gần 11.000 người bị thương. Đặc biệt, có 48 tỉnh, thành phố giảm trên 10% số người chết; 5 tỉnh, thành phố giảm trên 40% số người chết là Vĩnh Phúc, Điện Biên, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Kiên Giang. Tuy nhiên, vẫn  còn 6 tỉnh, thành phố có số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tăng bất thường là Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế và Đồng Nai… Tình trạng ùn tắc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể khi triển khai đồng bộ một số giải pháp như đổi giờ học giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên một số tuyến phố trong giờ cao điểm, cấm đỗ xe trên một số tuyến phố… Mặc dù giảm so với năm ngoái, nhưng Hà Nội vẫn có tới 394 người chết do tai nạn giao thông, con số này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 497.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông/năm chắc chắn sẽ hoàn thành nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều tồn tại. Tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng giảm nhưng mức độ và tính chất nguy hiểm lại có chiều hướng gia tăng. Ùn tắc giao thông giảm vào các giờ cao điểm sáng, chiều nhưng không rõ rệt. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức của người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Đặc biệt, sự quản lý Nhà nước còn yếu kém, hệ thống pháp luật xử lý vi phạm giao thông còn chưa nghiêm, … “Tai nạn giao thông giảm nhưng chưa mang tính bền vững do tốc độ giảm chậm dần đều không duy trì tính liên tục. Tai nạn giao thông chỉ giảm khi lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt nhưng cũng chỉ làm được một thời gian rồi tái diễn”, ông Hiệp đánh giá.

Đứng đầu là sử dụng rượu, bia

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, TNGT đặc biệt nghiêm trọng như lật xe khách, xe chở quá khổ quá tải liên tiếp xảy ra. Ông Hiệp cho rằng, 85% tai nạn nghiêm trọng do xe quá khổ, quá tải, xe khách chở quá số người quy định. Có nguyên nhân này, theo ông Hiệp, hiện vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện còn nhiều bất cập, gian lận. Các trung tâm sát hạch “trăm hoa đua nở” vì lợi nhuận nên đã cắt xén các chương trình đào tạo. Khi thi thì “móc ngoặc” bên trong nên khả năng có giấy phép là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Ngoài ra, ông Hiệp cho biết, thêm một nguyên nhân nữa đe dọa tới kết quả giảm TNGT là do tình trạng sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông còn phổ biến. “Theo các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam thuộc “top” đứng đầu về sử dụng chất kích thích (rượu, bia) khi tham gia giao thông. Nguyên nhân là do chế tài xử phạt không đủ mạnh và chưa có giải pháp triệt để. Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn cần phải xử lý hình sự.  Hơn nữa, lực lượng tuần tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn do không đủ quân số, máy thở thử nồng độ cồn không chính xác và người bị kiểm tra vi phạm thiếu thái độ hợp tác”, ông Hiệp cho biết.