“Tái” mãi mà không “chín”

ANTĐ - Tiếng Việt, nếu chiết tự ra mới thấy có rất nhiều ngữ nghĩa, màu sắc. Chẳng hạn chữ tái, hiểu nôm na là chưa chín. Nhưng mở rộng ra còn vô khối nghĩa như tái giá, tái ngộ, tái xuất, tái cơ cấu...

- Theo thiển nghĩ của tôi, nghĩa phổ biến nhất của chữ tái là “lại”. Chẳng hạn như tái cơ cấu doanh nghiệp, đầu tư công, ngân hàng. Tại kỳ họp này, Quốc hội còn “giải phẫu” tái cơ cấu nông nghiệp. 

- Các cuộc tái cơ cấu tầm vĩ mô có thể chậm trễ nhưng nông nghiệp thì đúng là cần phải “tái” gấp. Hơn 60 triệu bà con nông dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm ra 6,6 triệu tấn gạo để “xuất ngoại” mang về 2,9 tỷ USD mà cũng không đủ để nhập về 9,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu nành lên tới 5,4 tỷ USD/năm.

- Con số “khủng” đó quả là quá... choáng, chỉ nằm trong số liệu thống kê. Còn mắt thấy, tai nghe là cảnh ngô ế chất cao như núi ở Tây Bắc, dưa hấu miền Trung đổ cho... lợn cũng “lắc đầu” chê. 

- Mới đây nhất là giá cà chua Đà Lạt tụt xuống còn 300-500 đồng/kg, chưa đủ trả công hái. Ngao ngán, chua chát vì cà chua, nông dân phải đổ hàng trăm tấn. Cà chua nhuộm đỏ những con đường.

- Bao năm nay bà con vẫn “đỏ mắt” ngóng các ông bộ, ngành, địa phương chỉ đường dẫn lối để thoát khỏi vòng luẩn quẩn nuôi con gì, trồng cây gì và được mùa rớt giá. 

- Tái cơ cấu kiểu gì mà không tìm cách kéo nông dân ra “vũng lầy” thua thiệt thì bao cuộc “tái” đi “tái” lại cũng không... “chín” được.