Tái kiểm soát tín dụng bất động sản phòng ngừa rủi ro

ANTĐ - Đi kèm với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bất động sản trong năm 2015, nguồn tín dụng “chảy” vào lĩnh vực này cũng có bước tăng trưởng đột biến. Mặc dù được dự báo chưa có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản trong năm 2016, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tái kiểm soát để hạn chế rủi ro.

Tái kiểm soát tín dụng bất động sản phòng ngừa rủi ro ảnh 1Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản nhằm tránh nợ xấu gia tăng 

Gần 17 tỷ USD chảy vào bất động sản

Theo thông tin từ các cơ quan quản lý, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 30-11-2015 đạt 374.783 tỷ đồng (tương đương hơn 16,6 tỷ USD), tăng 19,91% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,8% so với thời điểm 31-10-2015. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất là dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở kết hợp cho thuê với 126.968 tỷ đồng, tăng 41,03% so với 31-12-2014. 

Riêng tại địa bàn Hà Nội, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hà Nội, đến   31-12-2015, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đạt 81.410 tỷ đồng, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm ngoái. Về cho vay hỗ trợ nhà ở, trong năm 2015, các chi nhánh thuộc 19 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân được 7.004 tỷ đồng trong tổng hạn mức đã cam kết 11.368 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cuối năm 2014.

Trong đó, giải ngân cho vay doanh nghiệp 1.552 tỷ đồng và cá nhân, hộ gia đình 5.452 tỷ đồng, phục vụ 16.570 khách hàng vay vốn (gồm 11 khách hàng doanh nghiệp và 16.559 khách hàng cá nhân). Với đà phục hồi mạnh mẽ trong năm 2015, các chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững hơn trong năm 2016. Cũng theo các chuyên gia, mặc dù tăng trưởng cao hơn nhưng chưa nên lo ngại “bong bóng” bất động sản tái phát.

Nguyên nhân là kinh tế vẫn ở giai đoạn phục hồi chưa đến mức tăng trưởng nóng, Nhà nước vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, thắt chặt chi tiêu công, chính sách tín dụng vẫn thận trọng, chặt chẽ và linh hoạt. Do đó, chắc chắn không có khả năng cơ quan quản lý buông lỏng tín dụng năm 2016. Mặt khác, tính tới 21-12-2015, tăng trưởng tín dụng mới đạt hơn 17% và dự kiến mức tăng trưởng trong năm 2016 ở mức 18-20%. Trong khi đó, nhìn lại năm 2007 - năm đỉnh của “bong bóng” bất động sản có thể thấy, tăng trưởng tín dụng vọt lên tới 37%. 

Vẫn cần thận trọng

Dù chưa lo ngại xảy ra “bong bóng” bất động sản nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tín dụng bất động sản. Báo cáo vĩ mô quý IV năm 2015 vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố mới đây đã đưa ra nhận định: “Sự bền vững của thị trường bất động sản có thể bị ảnh hưởng nếu chính sách tiền tệ - tín dụng không được định hướng đúng”.

Báo cáo của VEPR đánh giá, do những đặc thù về tài sản bảo đảm và khả năng cho vay theo món lớn một cách thuận lợi, các ngân hàng thương mại thường có xu hướng ưu tiên phát triển tín dụng bất động sản hơn là cho vay sản xuất kinh doanh thông thường. Trước thực tế này, VEPR khuyến nghị cơ quan điều hành cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản và định hướng dòng vốn vào khu vực tạo ra tiến bộ về năng suất cao hơn cho nền kinh tế.

Việc tín dụng chảy mạnh vào bất động sản cũng đã được Ngân hàng Nhà nước lưu ý. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  Nguyễn Phước Thanh cho biết, tín dụng năm 2015 tăng khá cao, trong đó một lượng lớn vốn đổ vào kênh bất động sản và các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản và đáng lo là nhiều ngân hàng lại cùng bỏ vốn vào một giỏ. Do đó, cần kiểm soát rủi ro chặt chẽ, nếu không sẽ sớm lặp lại tình trạng nợ xấu bất động sản gia tăng. 

Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh khẳng định: “Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước chấp nhận cho tín dụng tăng khá cao để tạo động lực cho nền kinh tế. Nhưng năm 2016 làm như vậy là không ổn. Tín dụng năm nay chỉ tăng 18-20% và Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản và tín dụng trung, dài hạn”.