Tái hiện thảm kịch người di cư do xung đột ở Lybia

ANTD.VN - Thảm kịch người di cư trên biển Địa Trung Hải như thế giới từng chứng kiến có nguy cơ tái diễn, khi xung đột tại Lybia đang có chiều hướng gia tăng.

Tái hiện thảm kịch người di cư do xung đột ở Lybia ảnh 1Một con tàu chở người Lybia di cư đang vượt Địa Trung Hải sang châu Âu

Hôm 10-5, khoảng 70 người di cư từ Lybia đã thiệt mạng, sau khi con tàu của họ chìm ở khu vực ngoài khơi bờ biển miền Nam Tunisia trong cuộc hành trình tới Italy nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn tại châu Âu. Thông báo mới nhất cho biết mới chỉ có 16 người trên tàu được cứu. 

Đây là vụ chìm tàu nhiều thương vong nhất ở Địa Trung Hải kể từ tháng 1 năm nay. Thời gian gần đây, làn sóng người tị nạn từ châu Phi đổ vào châu Âu có chiều hướng giảm mạnh. Con số thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2019, chỉ có khoảng gần 400 người di cư được phát hiện trên biển Địa Trung Hải. Nhưng tín hiệu tích cực này đang có nguy cơ bị đảo ngược bởi xung đột gia tăng tại Lybia.

Từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Lybia vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi Chính phủ đoàn kết dân tộc Lybia (GNA) được quốc tế công nhận hoạt động ở Thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân miền Tây Lybia hậu thuẫn. 

Thảm kịch người di cư trên biển Địa Trung Hải như thế giới từng chứng kiến có nguy cơ tái diễn, khi xung đột tại Lybia đang có chiều hướng gia tăng.

Kể từ tháng 3 năm nay, giao tranh đã bùng phát trở lại khi lực lượng của tướng Hafta phát động chiến dịch quân sự nhằm đánh chiếm Thủ đô Tripoli. Vốn nắm giữ các mỏ dầu lớn ở Lybia với sản lượng khai thác tới gần 700.000 thùng/ngày nên lực lượng của tướng Haftar tỏ ra có ưu thế hơn trên chiến trường. Dù được phương Tây hậu thuẫn nhưng GNA lại là lực lượng chính trị yếu thế trên cả chính trường lẫn chiến trường. Nếu không có các nhóm vũ trang miền Tây hỗ trợ, Chính phủ GNA của Thủ tướng Serraj không thể ngăn được lực lượng của tướng Haftar đánh chiếm Thủ đô Tripoli.

Giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng, hơn 18.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhiều người trong số đó tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Nguy cơ Lybia rơi vào một cuộc nội chiến mới đã hiện rõ. Có điều, đúng vào thời điểm cần chung tay cứu giúp Lybia, thì các nước có vai trò ảnh hưởng tại đất nước Bắc Phi này lại đang chia rẽ.

Với toan tính biến tướng Haftar thành một nhân tố quan trọng khôi phục sự ổn định và đánh bại phiến quân hồi giáo cực đoan ở Lybia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đứng ra hậu thuẫn cho lực lượng này. Các báo cáo của Liên hợp quốc nhận định UAE và Ai Cập đã cung cấp vũ khí và các máy bay chiến đấu cho tướng Haftar, khiến lực lượng của ông này chiếm ưu thế vượt trội so với các phe phái khác ở Lybia.

Trong khi đó, Qatar lại ủng hộ Chính phủ GNA của Thủ tướng Serraj. Qatar kêu gọi chặn các nguồn hỗ trợ vũ trang từ nước ngoài cho các lực lượng ở phía đông Lybia của tướng Haftar. Chính mâu thuẫn trong quan điểm về Lybia đã khiến Ai Cập, UAE và Saudi Arabia cắt đứt quan hệ với Qatar.

Nội bộ Liên minh châu Âu cũng chia rẽ về Lybia. Trước đây Pháp từng hỗ trợ tướng Haftar, coi ông này là nhân tố tốt nhất để chấm dứt hỗn loạn tại Lybia sau khi nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ. Trong khi đó, Italy với những lợi ích đáng kể từ nguồn dầu khí của Lybia, lại ủng hộ chính phủ ở Thủ đô Tripoli của Thủ tướng Serraj đứng đầu. 

Trong bối cảnh mâu thuẫn bên trong và chia rẽ ở bên ngoài như vậy, triển vọng hòa bình cho Lybia rất mờ mịt. Khi nền tảng cơ bản cho ổn định chưa thể thiết lập, thì làn sóng người di cư từ Lybia đến châu Âu sẽ còn tiếp diễn.