Tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Hoàng thành Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 22/1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Các nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tái hiện nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như dựng cây nêu, thả cá chép, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức tái hiện một số nghi lễ như: Lễ tiến lịch, lễ đổi gác theo hình thức sân khấu hoá.

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, các nghi lễ tống cựu nghinh tân, khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm lễ cúng ông Công ông Táo, lễ phất thức, phong ấn, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ dựng nêu... Đây là các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm Tháng Giêng.

Tái hiện Lễ dựng cây nêu.

Tái hiện Lễ dựng cây nêu.

Cũng theo PGS.TS Trần Đức Cường, lễ dựng cây nêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Cây nêu là biểu tượng của mùa xuân, mang những ý nghĩa tốt đẹp, phúc lành. Khi cây nêu được dựng lên trong Hoàng cung là lúc dân chúng cũng bắt đầu dựng nêu trước sân nhà mình. Lễ tiến lịch và ban lịch thể hiện sự coi trọng của triều đình phong kiến đối với việc làm lịch cũng như quan tâm đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày giờ tốt, vấn đề thiên thời địa lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của triều đình và nhân dân.

Lễ tiến xuân ngưu là một nghi lễ quan trọng được triều đình chuẩn bị công phu, tiến hành vào ngày Lập xuân với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và cầu mong một mùa xuân no ấm, đủ đầy. Lễ tết Chính đán là lễ thiết đại triều đầu tiên của triều đình diễn ra vào mồng Một Tết. Đây là một nghi lễ triều hội, là dịp nhà vua, hoàng tộc và trăm quan gặp gỡ nhau ngày đầu năm mới, cùng chúc tụng cho nhà vua trường thọ, nhân dân ấm no yên vui. Các xứ trong cả nước dâng biểu mừng vua. Nhân dịp này nhà vua cũng ban yến, ban tiền thưởng xuân cho bách quan.

Các đại biểu thả cá chép tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Các đại biểu thả cá chép tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi tham dự các nghi lễ Tết truyền thống của Việt Nam và cho biết, vừa qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 đã chính thức ghi nhận ngày Tết nguyên đán là ngày lễ của Liên hợp quốc kể từ năm 2024. Trước đó, vào tháng 8/2023, Việt Nam và 11 quốc gia khác đã cùng đề nghị Liên hợp quốc ghi danh ngày Tết nguyên đán. Kết quả này khẳng định sự cam kết chung của Liên hợp quốc với sự đa dạng và bao trùm của di sản văn hoá”, ông Jonathan Baker thông tin.

Đông đảo bạn trẻ tham gia chương trình.

Đông đảo bạn trẻ tham gia chương trình.

Nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Tống cựu nghinh tân”, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội còn tổ chức các hoạt động đón Tết truyền thống như: Trưng bày không gian “Tết xưa - Tết thời bao cấp (từ ngày 20/1), tái hiện Tết truyền thống của người Việt Nam ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX; không gian trưng bày “Nghi lễ tết cung đình ngày xuân” diễn ra tại khu nhà N14 vào ngày 20/1, thu hút rất nhiều khách tham quan.