Tái hiện cuộc chiến khí đốt

ANTĐ - Tuyên bố của quyền Thủ tướng Ukraine A. Yatsenyuk dọa sẽ đưa nước Nga láng giềng ra tòa án trọng tài để giải quyết cuộc tranh cãi về giá khí đốt giữa 2 nước đang làm cả châu Âu lo ngại về nguy cơ tái hiện cuộc chiến khí đốt từng làm băng giá châu lục này.

Hệ thống cung cấp khí đốt của châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Nga

Tuần trước, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã quyết định tăng giá khí đốt bán cho Ukraine từ 268,5 USD lên 485,5 USD/1.000 m3 với 2 lý do: Thứ nhất, do Kiev không thanh toán đúng hạn và đầy đủ số tiền gần 2 tỷ USD nhập khí đốt còn nợ. Thứ hai, mức giảm ưu đãi 100 USD/1.000m3 mà Ukraine được hưởng là nhờ cho Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân của tại Crimea nay không còn hiệu lực.

Mỗi năm Ukraine tiêu thụ khoảng 50 tỷ m3 khí đốt, trong đó 30 tỷ m3 nhập khẩu từ Nga. Trong bối cảnh nợ nước ngoài của Ukraine tính đến cuối năm 2013 ở mức 80% GDP, tương đương 140 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 65 tỷ USD, gấp 4 lần dự trữ vàng của nước này, phải gánh thêm chi phí khí đốt đồng nghĩa với việc kinh tế Ukraine sẽ sụp đổ. Thêm vào đó, do gần 40% lượng khí đốt xuất sang châu Âu là đi qua Ukraine nên việc Nga - Ukraine rơi vào cuộc chiến khí đốt khiến châu Âu lo sốt vó.

Hiện nay, Bulgaria, Phần Lan và Slovakia gần như 100% phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Pháp, Italia và Đức phải nhập khẩu từ 20 đến 40 % khí từ Nga, còn toàn bộ EU đang phụ thuộc Nga tới gần 30%. Trong các năm 2006 và 2010, do tranh cãi giữa Nga và Ukraine xung quanh giá khí đốt, tập đoàn dầu khí Gazprom từng hạn chế lượng khí đốt xuất sang các nước Tây Âu và Ukraine khiến cả châu lục lao đao. 

Hơn ai hết châu Âu hiểu những nguy cơ do phụ thuộc khí đốt vào Nga, nhưng thoát khỏi mối ràng buộc này là quá khó. Nhớ lại năm 2009, Chủ tịch Ủy ban châu Âu M. Barroso từng tuyên bố: “Thật không thể chấp nhận khi người tiêu dùng khí đốt châu Âu bị bắt làm con tin trong cuộc tranh chấp giữa Nga và Ukraine. Chúng ta không thể cho phép mình bị đặt trong tình thế như thế này trong tương lai”. Vậy nhưng nay nguy cơ trên tái hiện, châu Âu chưa tìm ra lối thoát nào.

Lời hứa giúp đỡ của Mỹ cũng khá mơ hồ bởi vận chuyển khí hóa lỏng cho những nước nằm sâu trong đất liền ở châu Âu không hề đơn giản do không có đường ống dẫn. Chưa kể, những sản phẩm của Mỹ là từ công nghệ ép đá phiến sét để khai thác dầu mỏ (fracking) đang là một chủ đề gây tranh cãi tại châu Âu vì mức độ nguy hại cho môi trường, đặc biệt là tại Anh, Pháp, Áo, Hà Lan. 

Liệu châu Âu và Mỹ có thể lợi dụng được gì từ con số dầu và khí đốt hiện chiếm 70% trong tổng số hơn 500 tỷ USD xuất khẩu hàng năm của Nga và 52 % ngân sách liên bang? Đúng là tuy giữ vai trò như thị trường tiêu thụ khí đốt lớn nhất của Nga, giúp cung cấp cho cường quốc này sức mạnh, nhưng châu Âu lại không thể biến khí đốt thành đòn bẩy chính trị. Van khí đốt trong tay nước Nga có thể làm cả châu Âu tê liệt.