Tái diễn cảnh “cướp” quặng vàng ở mỏ Bồng Miêu

(ANTĐ) - Tình trạng “cướp” quặng vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu, Tam Lãn, Phú Ninh, Quảng Nam vẫn tiếp diễn

Còn nhớ, tháng 8-2010, sau khi xảy ra vụ gây rối, “cướp” quặng vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam, CAH Phú Ninh đã khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam 2 đối tượng về hành vi “Cướp tài sản”. Tìm hiểu về tình hình địa phương, được biết, dân số xã Tam Lãnh có gần 7.000 người thì có tới hơn 60% tham gia vào các công việc làm vàng.

Điều đặc biệt ở Tam Lãnh là xã có 11 thôn thì hầu như trên địa bàn thôn nào cũng có quặng vàng, người dân nơi đây coi việc đào bới, tìm kiếm, chế biến quặng vàng là kế mưu sinh chủ yếu của họ. Mới đây, ngày 4-6, lại xảy ra vụ việc người dân vào “lấy” quặng vàng tại Cty vàng Bồng Miêu,  chúng tôi trở lại Tam Lãnh.

Hấp lực mỏ Bồng Miêu

Xã có hơn 6.700 người dân, thì có tới hơn 60% đều tham gia các hoạt động làm vàng, bất kể trẻ em, người già, phụ nữ, nếu ai có sức khỏe đều có thể vác bao đi nhặt, mót quặng vàng về bán cho các điểm xay nghiền quặng bởi ở thôn nào cũng có vài chục máy xay nghiền chế biến vàng. Công việc nhặt, mót, xay nghiền, chế biến vàng mang lại lợi nhuận cao, góp phần làm cho Tam Lãnh là địa phương có đời sống kinh tế vào loại khá giả so với nhiều địa phương khác ở miền núi Quảng Nam: Cả xã chỉ còn dưới 18% hộ nghèo...

Chúng tôi hỏi, “lợi thế” của vùng đất này quá “ưu đãi” như vậy, sao trong thời gian qua lại liên tục xảy ra tình trạng “cướp” quặng vàng của Cty vàng Bồng Miêu đóng tại địa phương? Nhiều cán bộ xã đều trả lời, có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng có lẽ nguyên nhân chính vẫn là quặng vàng của Cty Bồng Miêu đang khai thác có hàm lượng vàng lớn hơn nhiều quặng vàng mà người dân đi đào bới, nhặt, mót.

Người dân ở Tam Lãnh, nhặt mót quặng vàng ở gần khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

 Người dân ở Tam Lãnh, nhặt mót quặng vàng ở gần khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Mỏ vàng Bồng Miêu được phát hiện từ hàng nghìn năm nay, cách đây không lâu, chúng tôi đã có dịp được người dân ở Tam Lãnh dẫn tới xem một dấu tích việc khai thác, chế biến vàng của người Chăm từ cả nghìn năm trước. Trong núi ở Bồng Miêu, Tam Lãnh vẫn còn nguyên những đường hầm khai thác vàng ngày xưa của người Pháp khi còn đô hộ nước ta. Mỏ vàng Bồng Miêu hiện nay do Cty vàng Bồng Miêu là liên doanh giữa Cty Olimpus Pacfic Minerals (Canada) với 2 đối tác Việt Nam là Cty Phát triển khoáng sản và Cty CP Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam, được cấp phép vào tháng 3-1991, khai thác trong thời hạn 25 năm, trên diện tích 32km2.

Qua quá trình thăm dò, xây dựng nhà máy, đến năm 2005, Cty vàng Bồng Miêu mới bắt đầu đi vào hoạt động khai thác quặng và tuyển rửa vàng bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất. Theo dự đoán của Cty này, trên diện tích khai thác sẽ thu được 3.108.700 tấn quặng, tương đương với 408.900 ounce (OZ) vàng. Theo đánh giá của Cty này, hàm lượng vàng bình quân được khai thác ở Bồng Miêu khác nhau tùy theo từng địa điểm khai thác, ví dụ như ở mỏ núi Kẽm, một tấn quặng có khoảng 5-6g vàng, mỏ phía đông Bồng Miêu, một tấn quặng có 2-2,5g vàng, mỏ Hố Gần có 2,5-3g vàng/tấn quặng.

Từ năm 2006 đến đầu năm 2011, Cty khai thác được tổng cộng 1.228,44kg vàng (tương đương 39,495,53 OZ) và 411,93kg bạc (tương đương 13,243,66 OZ). Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế các loại đối với Nhà nước, hưởng lợi từ nguồn thu vàng và bạc này, trong liên doanh Cty, phía nước ngoài hưởng 80%, còn phía Việt Nam chỉ được hưởng 20%.

Trên diện tích 230ha được cấp phép khai thác ở Cty vàng Bồng Miêu, theo đánh giá, sau khi khai thác, chế biến sẽ có khoảng 2 tấn vàng thành phẩm, hiện Cty đã khai thác được hơn 1 tấn, tức là còn gần 1 tấn vàng nữa sẽ được tiếp tục khai thác trong thời gian tiếp theo, quả đây là một con số vô cùng hấp dẫn đối với những người quan tâm đến lĩnh vực tìm kiếm vàng...

Người dân đào hầm, dùng tời khai thác quặng vàng gần khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

 Người dân đào hầm, dùng tời khai thác quặng vàng gần khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Quản lý thế nào?

Như chúng tôi đã nêu, ở Tam Lãnh có tới hơn 60% số người dân tham gia vào các hoạt động khai thác, tìm kiếm, nhặt, mót, xay nghiền, chế biến quặng vàng. Nhiều người dân cho biết, một ngày một người bình thường, từ trẻ em, phụ nữ, người già có thể kiếm được 150-200 ngàn đồng từ việc nhặt, mót quặng vàng. Chỉ riêng 4 thôn ở Tam Lãnh là An Bình, Bồng Miêu, Trà Sung, Trung Sơn có 500 hộ dân đã có tới 250 máy xay nghiền quặng vàng được đặt tại vườn nhà. Mỗi tấn quặng được mua khoảng hơn 2 triệu đồng, sau khi xay nghiền, mỗi ngày mỗi chủ máy có thể thu lời hơn 4 triệu đồng. Là người dân địa phương, họ hiểu rất rõ hàm lượng vàng tại các mỏ mà Cty vàng Bồng Miêu đang khai thác là rất cao, vì vậy, nhiều người thường xuyên lén lút đi vào khu vực các khu mỏ để nhặt, mót, kể cả tìm cách lấy trộm quặng vàng.

Bảo vệ Cty vàng Bồng Miêu kiểm tra đường hầm do người dân tự đào để vào lấy quặng vàng tại khu vực được cấp phép của mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: H.T

 Bảo vệ Cty vàng Bồng Miêu kiểm tra đường hầm do người dân tự đào để vào lấy quặng vàng tại khu vực được cấp phép của mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: H.T

Quay trở lại vụ việc xảy ra hôm 4-6, ông Võ Hoàng Anh - Trưởng Ban Giám sát an ninh mỏ vàng, Cty vàng Bồng Miêu cho biết, đêm 3-6-2011, hàng chục người dân đã tìm cách xâm nhập trái phép vào khu vực khai thác mỏ của Cty. Đến rạng sáng 4-6, hàng trăm người dân đã ồ ạt kéo vào khu khai thác số 6 mỏ Hố Gần, phá hỏng 1 ô-tô, tấn công làm 2 bảo vệ là anh Trần Thanh Tịch và Võ Văn Hùng bị thương, uy hiếp lực lượng bảo vệ mỏ, rồi lấy đi khoảng 10 tấn quặng vàng.

Ngay buổi sáng hôm đó, lực lượng bảo vệ mỏ đã phải tăng cường và báo CAH Phú Ninh đến hỗ trợ bảo vệ tại khu mỏ Hố Gần thì tình hình mới được vãn hồi. Tuy vậy vẫn còn có gần 100 người dân kéo đến khu vực nhà nghỉ của công nhân mỏ vàng để dọa dẫm, đập phá tài sản, định tiến vào khu mỏ để tiếp tục lấy quặng vàng.

Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, ngay sau vụ việc xảy ra, UBND xã đã phối hợp với ngành chức năng, cơ quan CA triển khai công tác thu thập chứng cứ, lập hồ sơ xử lý vụ việc. Trong khi dư âm của vụ “cướp tài sản” là quặng vàng xảy ra hồi tháng 8-2010 tại mỏ vàng Bồng Miêu vẫn còn nóng hổi, thì từ Tết Nguyên đán 2011 đến nay, tình hình ANTT, khai thác quặng vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, đỉnh điểm là vụ việc “cướp” quặng vàng xảy ra ngày 4-6 vừa qua.

Chúng tôi đề nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, H. Phú Ninh cần nhanh chóng có biện pháp xem xét, đánh giá lại tình hình khai thác, chế biến vàng trái phép đang diễn ra tại địa bàn xã Tam Lãnh. Chấn chỉnh tình hình vi phạm Luật Khoáng sản, vi phạm pháp luật về ANTTXH, chỉ khi nào giải quyết dứt điểm, đưa vào nền nếp đúng theo quy định pháp luật, tình trạng người dân đang “sống chung với vàng” nơi đây thì mới mong ổn định được tình hình.