Tái cơ cấu từ nếp nghĩ

ANTĐ - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11, chỉ tăng 1,84% so với tháng 12 năm 2013. Cơ quan thống kê khẳng định, CPI giảm chủ yếu do các đợt giảm giá xăng dầu trong nước. CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Lạm phát thấp là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ phát huy tác dụng, kích thích sản xuất kinh doanh. Lạm phát thấp còn có nguyên nhân quan trọng là tâm lý bình tĩnh của người tiêu dùng tính toán, cân nhắc hơn, không mua hàng tích trữ vào dịp Tết.

Mặc dù khẳng định mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra từ đầu năm đã được thực hiện thành công, song Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn các nhà khoa học, hoạch định chính sách cùng “mổ xẻ” xem chất lượng tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, năng suất lao động, lực lượng lao động, chuyển dịch như thế nào.

Trong cuộc hội thảo “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng, những ngày cuối năm này, tình hình kinh tế có chuyển biến và việc tái cơ cấu đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, cứ đà này tái cơ cấu nền kinh tế sẽ đi đến đâu? Đặt ra câu hỏi này, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế bày tỏ lo ngại khi nhìn lại một năm qua trên lộ trình gian nan này. Khi đề ra nghị quyết về tái cơ cấu, thực hiện mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bộ, ngành nào cũng muốn làm nhanh để tạo sức bật tăng trưởng mới. Nhưng càng làm càng thấy khó và vướng, khó nhất là mô hình cũ không còn thích hợp, còn mô hình mới lại được hiểu một cách lờ mờ. Có ý kiến thẳng thắn chỉ rõ, chúng ta vừa muốn phát triển nhanh, vừa muốn bền vững trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế, cũng giống như lái một chiếc xe, muốn đổi hướng mà vẫn lao nhanh thì cùng một lúc làm cả hai việc sao được. Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, mục tiêu hoàn thành tái cơ cấu trong năm 2015 là khó khả thi và thực tế đòi hỏi nhiều thời gian hơn thế.

Đại diện Viện Chiến lược, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, những thành công bước đầu cũng như những khó khăn vướng mắc làm nổi cộm một vấn đề gai góc: tái cơ cấu đụng đến tư duy cũ, đụng đến cả lợi ích cục bộ, địa phương nơi này, nơi kia. Nói một cách khác, tái cơ cấu không thể không bắt đầu từ nếp nghĩ, tư duy và cách làm, chỉ hô hào chung chung thì còn giậm chân tại chỗ.