Tái cơ cấu nông nghiệp: Không chạy theo số lượng

ANTĐ - Hơn 10 năm qua, nông nghiệp luôn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, trung bình hàng năm tăng 5,4% về giá trị. Tuy nhiên, tỷ trọng nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2010, chiếm 24,5% GDP nhưng năm 2012 chỉ còn 21,6%. Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng như lúa gạo, thủy sản, cà phê, đồ gỗ… tăng qua các năm, nhưng năng suất, thu nhập của nông dân lại giảm qua từng thời kỳ. Ngành nông nghiệp đang đối mặt với tăng trưởng chậm. 

Nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với một loạt khó khăn

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chiến lược và phát triển nông nghiệp, nông thôn) dẫn chứng: “Năng suất lao động của nông dân Việt Nam thấp hơn cả Lào và Campuchia, khả năng huy động quỹ đất đã đến ngưỡng khi đất nông nghiệp đang san sẻ bớt cho công nghiệp, dịch vụ, chất lượng đất cũng sụt giảm do sử dụng quá đà phân bón, thuốc trừ sâu”. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, với xu thế phát triển chung, ngành nông nghiệp đang đối mặt với không ít thách thức: Nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục tăng nhưng hướng đến chất lượng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, an ninh sinh học….

Mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh, nhưng chất lượng và VSATTP vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội, cản trở nông sản Việt thâm nhập thị trường thế giới. Tỷ lệ nông sản xuất khẩu bị từ chối và bị liệt vào danh sách phải kiểm soát chặt chẽ tại các nước là khá cao. Có tồn tại này theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, những năm qua, chúng ta quá chú trọng vào số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Nông nghiệp vẫn chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Vốn đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 13,8% năm 2000 xuống còn 6% vào năm 2012. Đặc biệt, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 8% năm 2001 xuống còn chưa đầy 1% trong năm 2012. Trong khi vốn đầu tư đã ít, việc phân bổ vốn đầu tư trong ngành nông nghiệp lại mất cân bằng, chiếm đến 84,1% (giai đoạn 2006-2010) được đầu tư vào thủy lợi để trồng lúa.

“Không thể phát triển một nền nông nghiệp bền vững nếu chỉ dựa mãi vào việc độc canh cây lúa. Cũng không thể giữ mãi cách đầu tư như bấy lâu, dồn tiền đầu tư thủy lợi chỉ để phục vụ trồng lúa”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định. 

Theo ông Cao Đức Phát, những khó khăn trực tiếp của ngành nông nghiệp cần được giải quyết bằng những biện pháp căn cơ, bao quát mang tính hệ thống hơn. “Nền nông nghiệp cần xây dựng những guồng máy để làm ra các sản phẩm cụ thể, tái cơ cấu nông nghiệp chính là điều chỉnh các guồng máy để làm ra sản phẩm đạt mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Quan trọng không phải số lượng sản phẩm”. Tất cả các ngành từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… đều phải cơ cấu lại. Đất lúa không nhất thiết chỉ để trồng lúa, tùy theo nhu cầu thị trường có thể điều chỉnh sang trồng các loại cây khác…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trình Chính phủ. Tăng đầu tư cho ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 lên 239.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 478.800 tỷ đồng. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm đầu tư thủy lợi, tăng đầu tư nông nghiệp và thủy sản. Giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa với tổng sản lượng hàng năm đạt 45 triệu tấn, trong thủy sản, tôm được xem là sản phẩm chiến lược giai đoạn tới…