Tái chế chai nhựa làm gạch sinh thái xây nhà

ANTD.VN - Từ các chai, lọ bằng nhựa bỏ đi, trôi nổi tự do trên sông hồ, đại dương, các nhà khoa học và hoạt động môi trường ở Philippines đã biến chúng thành những viên gạch có ích, xây dựng nên những công trình kiên cố và đẹp mắt như nhà trọ, ký túc xá hay những nhà tắm mini. 

Tái chế chai nhựa làm gạch sinh thái xây nhà ảnh 1Gạch sinh thái được làm từ những chai nhựa phế thải

Giải pháp “nhựa”

Trong vòng 30 năm qua, tình trạng rác thải nhựa đã trở nên đáng báo động không chỉ ở riêng Philippines, hay một số quốc gia khác nữa mà nó đã ảnh hưởng tồi tệ đến đời sống, sức khỏe của hàng trăm triệu người trên hành tinh chúng ta. Đặc biệt, vào mùa mưa, khi sông, hồ đầy ắp nước thì khi đó các chai nhựa sẽ nổi lên và trôi về các đại dương, cuối cùng lại dạt vào bờ  biển, tạo ra những bãi tắm ô nhiễm, là nỗi sợ hãi của người dân nơi đây.

Từ thách thức trên, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực môi trường bắt đầu triển khai Ecobrrick - một dự án biến các loại chai nhựa đã qua sử dụng thành những “viên gạch sinh thái”. Trong suốt gần 1 thập kỷ qua tại Philippines, người dân ở miền Bắc nước này đã biết toàn bộ “quy trình” làm gạch sinh thái ecobrick thông qua Irene Bakisan và Russell Maier, nghệ sĩ điêu khắc người Canada. Russell Maier đã khám phá ra loại vật liệu tái chế thân thiện với môi trường này tại ngôi làng ở thung lũng Sagada (Philippines). Và thật không ngờ, chỉ ít lâu sau khám phá của Maier đã trở thành hiện tượng toàn cầu.

Riêng ở Philippines, trong vòng 4 năm từ 2010 đến 2014, không chỉ người dân được biết đến bản hướng dẫn làm gạch ecobrick mà chính phủ nước này đã nhận thấy tầm quan trọng tuyệt vời của nó nên đã đưa bản hưỡng dẫn này tới khoảng 1.700 trường học ở Philippines để các em học sinh nhận thức được việc bảo vệ môi trường cũng như xử lý rác thải nhựa tại nơi mình sinh sống hoặc những bãi biển du lịch tại địa phương. Sau đó, phong trào tái chế các chai nhựa thành gạch sinh thái trở nên phổ biến, phát triển mạnh hơn vươn ra khỏi lãnh thổ Phippines tới Nam Phi, Zambia, Mỹ và Indonesia, hình thành Khối liên minh Ecobrick toàn cầu.

Người người, nhà nhà đều có thể làm gạch sinh thái

Năm 2016, Ziggie Gonzales, ông chủ chuỗi nhà nghỉ tại Zambales, La Union và Baler ở Philippines biết đến cách thức làm gạch sinh thái từ những chai nhựa bỏ đi trên mạng internet, và quyết định áp dụng vào hoàn cảnh của mình. Ông tìm kiếm lượng lớn chai nhựa trên các bãi biển và bắt đầu nhồi tất cả các thứ rắn khác vào trong chai rồi đóng nắp chai chặt lại để không cho chai nhựa biến dạng. 

Sau khi tự làm gạch từ các chai nhựa bỏ đi và xây nên những công trình như nhà tắm, nhà trọ của mình thành công, Gonzales đã chia sẻ với mọi người dân thông qua sáng kiến mới có tên “The Plastic Solution”, với hy vọng phần nào sẽ giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường.

Chỉ cần một chai nhựa hay bất kỳ một chiếc hộp đựng nào cũng có thể biến thành một viên gạch từ nhựa tái chế. Có thể tất cả các loại chai, lọ, hộp đều có thể được dùng làm gạch tái chế, nhưng với loại chai nhựa 500ml thì phù hợp nhất bởi nó nhỏ gọn và việc lèn chặt chai cũng vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chai nhựa để làm gạch tái chế cần phải rửa sạch khi có đồ ăn tránh vi khuẩn trong thực phẩm có trong chai sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Không cho thủy tinh, kim loại hay bất kỳ loại vật liệu có thể phân hủy vào trong chai bởi nó có thể gây cháy, ô nhiễm…

Cách làm gạch này không chỉ đơn giản, rẻ tiền mà còn an toàn, hiệu quả hơn so với các loại gạch thông thường. Nó khá chắc chắn và vững chãi, thậm chí khi có động đất, gạch thường có thể rơi vỡ nhưng gạch được làm từ chai nhựa thì không, nó chỉ lắc lư nên rất an toàn. Hy vọng, ngày càng có nhiều quốc gia như Philippines triển khai dự án này để giảm tải tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên các con sông, đại dương hay những bãi tắm thơ mộng.