Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước:

Tái cấu trúc từ tư duy

ANTĐ - Một số tập đoàn, tổng công ty đua nhau mở rộng ngành nghề, đầu tư tràn lan vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Không ít doanh nghiệp có dấu hiệu thiếu minh bạch trong kinh doanh, không nắm được lỗ - lãi… là những tồn tại trong thực tế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Việc tái cơ cấu doanh nghiệp phải có tầm nhìn


Hoạt động kém hiệu quả

Theo nhận định của Bộ Tài chính, với vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước thông qua các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bước đầu thể hiện được sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo ảnh hưởng, chi phối và lan tỏa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa hiệu quả, chưa tương xứng với những kỳ vọng.

Phần lớn các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như dầu khí, điện lực, khai khoáng, xi măng, sắt thép… nhưng hiệu quả sinh lợi thấp. Trình độ công nghệ, năng suất lao động không cao, sức cạnh tranh trên thị trường còn nhiều hạn chế.

Tái cấu trúc DNNN là một chủ trương và là nhiệm vụ cấp bách nhằm đem lại sự thay đổi tích cực, tăng cường vai trò của các DNNN. Để các doanh nghiệp này nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển bền vững và dẫn dắt nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính nhận định, hiện nay ở các doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh chậm đổi mới, nhiều doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, có tư tưởng ỷ lại vào nhà nước, sử dụng nguồn vốn tài nguyên lãng phí. Ngoài ra, tình trạng độc quyền trong sản xuất kinh doanh làm méo mó thị trường, gây thiệt hại lớn tới người tiêu dùng, hạn chế sự phát triển và cạnh tranh của nền kinh tế.

Cơ cấu như thế nào?

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, doanh nghiệp nhà nước hiện nay thực hiện đồng thời hai chức năng, vừa là doanh nghiệp định hướng lợi nhuận vừa là công cụ ổn định nền kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, chúng ta chưa đánh giá được sâu sắc hai vai trò này của doanh nghiệp nhà nước.

Quá trình cải cách DNNN hiện nay đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn rất nhiều so với trước kia vì những yếu tố như nhóm lợi ích, hay những mối liên quan tới các tập đoàn đang nắm giữ tiền của, sức mạnh rất lớn. Tái cấu trúc DNNN có nghĩa là chúng ta phải tìm ra cách ứng xử đối với những cái mà nền kinh tế đã đẻ ra dù nó tốt hay xấu.

“Cổ phần hóa chỉ là một công cụ của tái cấu trúc DNNN. Mức độ cổ phần hóa không chỉ dừng lại ở 60%, 70% mà phải thay đổi toàn bộ chiến lược. Nếu cái đầu không thay đổi, bám riết vào tư duy cũ, quan điểm cũ sẽ không bao giờ đổi mới được. Để sàng lọc DNNN cần đặt các doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh, tạo áp lực và giám sát. Cùng với đó là sắp xếp lại các doanh nghiệp có nguy cơ vỡ nợ, làm rõ vấn đề nợ và giải quyết nợ” - ông Thành nói.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Lâm - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Bảo Việt cho rằng, quá trình tái cấu trúc phải định hình lại được mô hình tổng công ty mẹ - công ty con. Tính theo số lượng tập đoàn nhà nước thì không nhiều nhưng thống kê các công ty con, công ty cháu thì quá nhiều. Thất bại tạm thời của mô hình tổng công ty mẹ - con với bằng chứng điển hình là Tập đoàn Vinashin đã xảy ra. Từ đó phải xây dựng lại mối quan hệ công ty mẹ - công ty con như thế nào là hợp lý.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tái cơ cấu doanh nghiệp phải có tầm nhìn, không để tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ hay lợi ích nhóm chi phối. Việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa để dần thu hẹp tỷ trọng và giảm thiểu số lượng DNNN là cần thiết. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cần chấm dứt đầu tư dàn trải ngoài ngành…