Tái cấu trúc tư duy

ANTĐ - Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, vốn được kỳ vọng sẽ tạo thành “làn sóng” đổi mới lần thứ hai ở nước ta, nhằm khắc phục việc nguồn lực quốc gia bị sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Theo ý kiến của hầu hết các đại biểu Quốc hội, đây là một vấn đề trọng đại của đất nước, cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu nóng vội sẽ phải trả giá rất đắt. Vì thế Quốc hội đã dành trọn một ngày để “mổ xẻ” đề án và cuối cùng nhiều ý kiến ngả theo hướng chưa thông qua.

Tán thành các mục tiêu của đề án, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các nhóm giải pháp chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thật sự đồng bộ giữa các đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, đầu tư công và thiếu các giải pháp về xã hội và môi trường. Sau khi thực hiện Đề án, nền kinh tế nước ta sẽ đi về đâu, theo hướng nào? Cốt lõi của Đề án tổng thể chính là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Khi các chuyên viên của Bộ Tài chính xây dựng đề án này cuối năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nói: “Không có thay đổi trong nhận thức, tư duy về doanh nghiệp nhà nước thì khó mà cải cách khu vực này được”. Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bổ sung, cần phải xử lý trước những vấn đề trong hệ thống quan điểm, nếu thực sự muốn tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là quan điểm chung của hầu hết các chuyên gia kinh tế khi thảo luận về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khu vực được “truy cứu” trách nhiệm gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế do đầu tư lớn mà thiếu hiệu quả.

Nhiều đại biểu Quốc hội rất băn khoăn, lo lắng trước tình trạng làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp một thời gian khá dài từng được gánh trọng trách chủ đạo của nền kinh tế. Lo lắng càng tăng khi trong đề án vẫn nhấn mạnh đến vai trò của thành phần kinh tế này trong giai đoạn tới. Một đại biểu đặt câu hỏi: phải làm rõ thành phần kinh tế nhà nước chiếm vai trò và tỷ trọng là bao nhiêu? Cơ chế minh bạch, giám sát công khai hóa vai trò của chủ sở hữu, vai trò quản lý hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như thế nào? Đặc biệt tái cấu trúc cần quan tâm đến vấn đề bảo tồn vốn, sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả gắn với giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Vậy thì, doanh nghiệp nhà nước có còn đóng vai trò chủ đạo nền kinh tế hay không cần phải làm rõ.

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước kỳ họp này, Ủy ban Kinh tế tán thành ý kiến của các học giả và nhà kinh tế đề nghị coi kinh tế tư nhân là “động lực chủ yếu” hoặc “động lực quan trọng” của tăng trưởng kinh tế. Bởi vì, chừng nào các doanh nghiệp “con đẻ” của nhà nước còn được “chống lưng”, từ ưu đãi đến trả nợ thay, thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ “đóng vai phụ” hoặc “đóng thế” và toàn bộ nền kinh tế sẽ mất đi một động lực chủ yếu. Báo cáo cũng cho rằng, doanh nghiệp nhà nước chiếm vị thế độc quyền ở nhiều lĩnh vực không chịu sức ép cạnh tranh và do vậy kém hiệu quả.

Điểm khó nhất trong Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế có lẽ là tái cấu trúc tư duy về vai trò động lực của kinh tế tư nhân sẽ có ý nghĩa rất quan trọng góp phần thay đổi quan điểm trong thiết kế và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô.