Tái cấu trúc nền kinh tế: Hiệu quả phải được đặt lên đầu

ANTĐ - TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright có những luận giải thuyết phục và thực tế khi bàn về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam.

Tái cấu trúc có nghĩa là phải làm cho các đơn vị, doanh nghiệp tự thay đổi từ bên trong, tự điều chỉnh mình. Có nghĩa là tái cấu trúc sẽ không  phải là “phép  trừ” đơn giản, cơ học. Vấn đề được đặt ra trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam nói chung đó là hướng tới hiệu quả, đưa nền kinh tế Việt Nam có thể đi xa hơn. 

Nhìn nhận về những đề án tái cấu trúc nền kinh tế, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cả 3 đề án tái cấu trúc đều đặt nặng về số lượng và không hướng tới chất lượng. Do vậy kết quả trong trung và dài hạn sẽ khó được như kỳ vọng. Tái cấu trúc đầu tư công, đặt mục tiêu giảm tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước từ 40%/năm còn 30%. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hay lộ trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại đều đặt mục tiêu cắt giảm số lượng doanh nghiệp, ngân hàng. Thực hiện quá trình tái cơ cấu cần phải có chiến lược rõ ràng trước khi nghĩ đến giải pháp đơn thuần là cắt giảm con số.

“Tôi nghĩ cách làm hành chính này sẽ có hiệu quả không cao nếu không muốn nói rằng thiếu nhiều điều kiện cần thiết cả về vật chất lẫn hệ thống chính sách. Điều quan trọng của quá trình tái cấu trúc là phải thiết lập được một bộ tiêu chí rõ ràng, đưa ra những kỷ luật của thị trường, kỷ cương của nhà nước”, ông Vũ Thành Tự Anh đánh giá.  

Doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang hoạt động kém hiệu quả, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế rất ít. Những tập đoàn lớn như Tập đoàn Than khoáng sản Vinacomin, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, được ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên khan hiếm như đất đai và tín dụng… Có thể nói ngắn gọn việc phát triển của tập đoàn là mở rộng rất nhanh nhưng hiệu quả rất thấp.

Ngoài ra việc coi DNNN, tập đoàn kinh tế là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, công cụ bình ổn nền kinh tế và là công cụ để thực hiện các chính sách xã hội. Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn đều chưa đúng. “DNNN là một phần quan trọng của nguyên nhân dẫn đến những bất ổn vĩ mô chứ không phải là giải pháp. Khi nói tới bình ổn, quản lý kinh tế vĩ mô thì đã có 3 chính sách là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách cơ cấu. Nếu thực hiện đúng 3 chính sách này thì không cần dùng tới các DNNN để thực hiện nhiệm vụ bình ổn, quản lý kinh tế vĩ mô”, ông Vũ Thành Tự Anh nói. 

Khi không chịu áp lực cạnh tranh từ thị trường và giám sát chặt chẽ từ nhà nước, các DNNN sẽ vẫn tiếp tục đầu tư ào ạt và dàn trải để mở rộng hệ thống của mình mà không quan tâm đến hiệu quả vì họ biết rằng nếu có thua lỗ chăng nữa thì nhà nước sẽ cứu. Một đơn cử như Tập đoàn Vinashin từng sản xuất từ dầu gội đầu cho đến đóng tàu. 

Không những thế, các DNNN, tập đoàn, tổng công ty này có thể còn cản trở nhiều cải cách hướng đến một nền kinh tế thị trường cạnh tranh bình đẳng và hiệu quả hơn. Khu vực dân doanh vì thế cũng không thể phát triển dù rất năng động và đầy tiềm năng. TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh, dù rất khó nhưng phải thay đổi nhóm đặc quyền đặc lợi (cắt giảm lợi ích nhóm) tại các khối đơn vị này.

Doanh nghiệp là kinh doanh, mà kinh doanh thì lợi nhuận phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy tái cấu trúc nền kinh tế có nghĩa là định vị lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, của tập đoàn, tổng công ty. Cải cách lại hệ thống quản trị của nhà nước, tăng trách nhiệm giải trình. 

TS. Vũ Thành Tự Anh