Tại các đơn vị thuộc Bộ Công an: Cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng?

ANTD.VN -Liên quan đến quy định về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ, UBTVQH đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ Công an.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày trước Quốc hội chiều 6-11.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của CAND, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND về cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành đã được thực hiện ổn định, có rà soát, nghiên cứu bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.

Liên quan đến hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, UBTVQH thấy rằng, Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật có liên quan đã quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nhưng chưa quy định cụ thể vị trí và mô hình tổ chức của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Do đó, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH đề nghị chưa quy định các nội dung liên quan đến đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong dự thảo Luật.

Luật Công an nhân dân là cơ sở pháp lý quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an

Về vấn đề chính quy Công an xã, thị trấn,  theo UBTVQH, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, có tính chất thay đổi căn bản so với hệ thống pháp luật hiện hành, liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức, hoạt động của Công an cấp cơ sở và việc bố trí, sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay. Vì vậy, cần có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cho bổ sung Điều 46 (Điều khoản chuyển tiếp); đồng thời, bổ sung vào điều khoản sửa đổi để sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật có liên quan như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về quy định lập đồn, trạm, đơn vị độc lập, theo UBTVQH, việc thành lập đồn, trạm, đơn vị Công an là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong từng thời điểm và địa bàn nhất định.

Liên quan đến quy định về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng ở các đơn vị thuộc Bộ, UBTVQH đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao UBTVQH quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an tỉnh, UBTVQH thấy rằng, việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.

Về công nghiệp an ninh, theo UBTVQH, dự thảo Luật cần có một số quy định về công nghiệp an ninh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, về lâu dài đề nghị Quốc hội cho xây dựng Luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tuy vậy, để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là quy định của Luật Quốc phòng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, theo đó công nghiệp an ninh phải đặt trong tổng thể công nghiệp quốc phòng, an ninh và là bộ phận của công nghiệp quốc gia.