Được viết dưới dạng tiểu thuyết lịch sử chiến tranh, cuốn sách đã tái hiện một cách khách quan, chân thực chiến thắng của quân và dân ta cũng như sự thất bại của Đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa trong con mắt quan sát của một người nước ngoài.
Thông qua việc miêu tả quá trình tiến hành cuộc di tản hỗn loạn của quân đội Mỹ và sự sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng hòa, cuốn sách cho bạn đọc thấy rõ sức mạnh tổng lực của quân và dân cả nước tiến tới chiến thắng vang dội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách còn tập trung phản ánh quá trình tiếp quản Sài Gòn sau ngày giải phóng với những vấn đề cụ thể như: khắc phục thiệt hại về kinh tế; ổn định tình hình chính trị... Qua đó bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản cách mạng, những đồn đại về “các cuộc thảm sát đẫm máu” mà cơ quan tuyên truyền của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu nghĩ ra để làm mất uy tín của Quân Giải phóng, hòng củng cố tinh thần kháng cự trong quân đội Việt Nam Cộng hòa.
![]() |
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ ba cuốn sách Giải phóng của nhà báo, nhà văn nổi tiếng người Italia Tiziano Terzani, do Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông cùng dịch giả Nguyễn Hiền Thu tổ chức biên dịch |
Chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc cũng như công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này đã được Tiziano Terzani - người chỉ mới sống ở Việt Nam 5 năm - thể hiện sâu sắc trong suốt chiều dài tác phẩm Giải phóng.
Nhà báo, nhà văn nổi tiếng người Italia Tiziano Terzani (1938 - 2004) là người viết tin, bài, tường thuật các sự kiện chính trị - xã hội lớn diễn ra ở châu Á suốt 30 năm liền cho tuần báo Der Spiegel. Ông là một trong những phóng viên nổi tiếng ở Đông Á và Đông Nam Á và là đặc phái viên của tuần báo Der Spiegel tại Đông Nam Á, ông đến Sài Gòn vào năm 1971.
Giữa tháng 3/1975, ông nhận được lệnh của chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi miền Nam Việt Nam với lý do là một trong những bài báo của ông đã xúc phạm Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ngay lúc đó, Tiziano Terzani đã linh cảm rằng ngày tàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã đến, nên ông tìm mọi cách để ở lại miền Nam Việt Nam nhằm chứng kiến giây phút cuối cùng của chiến tranh. Tháng 4 năm 1975, ông là một trong số ít nhà báo phương Tây đã ở lại Sài Gòn và trở thành nhân chứng của thời điểm lịch sử đó. Ông được chứng kiến cảnh xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tiziano Terzani được phép ở lại Việt Nam thêm 3 tháng. Trong 3 tháng này, ông đã đi gần như xuyên suốt Việt Nam, gặp những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam; và chứng kiến những thay đổi sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Ông là một trong những nhà báo tích cực chống lại sự can thiệp của người Mỹ tại Việt Nam và công khai coi cuộc chiến đấu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và miền Bắc Việt Nam là cuộc kháng chiến yêu nước của người Việt Nam cần được thế giới ủng hộ. Ba tháng sau ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Tiziano Terzani rời Việt Nam từ Hà Nội. Trong chiếc vali của mình, ông đã mang theo 14 cuốn sổ ghi chép, 20 băng cátxét ghi lại các cuộc phỏng vấn, bài phát biểu, cuộc trò chuyện với người dân trên phố, và nhiều tập báo, tài liệu và các bản dịch. Chính từ các tài liệu đó, cuối năm 1975, ông cho ra đời tác phẩm Giải phóng kể lại 3 ngày cuối cùng của chiến tranh trước khi Sài Gòn được giải phóng và 3 tháng Tiziano Terzani quan sát đất nước Việt Nam sau khi thống nhất, bước vào giai đoạn đầu của xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách Giải phóng do John Shepley dịch từ tiếng Italia ra tiếng Anh và được Nhà xuất bản New York: St. Martin's Press xuất bản năm 1976. Cuốn sách này được tái bản tại Thái Lan năm 1997 với tên Sài Gòn 1975: “3 ngày và 3 tháng”. Nhà báo, nhà văn người Italia Tiziano Terzani qua đời vào ngày 28 tháng 7 năm 2004 ở tuổi 65.
Cuốn sách này của ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả các nước, góp phần ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lên án chiến tranh phi nghĩa, hướng con người đến độc lập, tự do và hạnh phúc.