“Tắc” từ quy hoạch

ANTĐ - Có một bài toán liên quan tới cả kinh tế và xã hội nước ta, mà dường như càng giải càng trở nên rắc rối, phức tạp. Đó là bài toán giao thông đô thị. Hơn chục năm nay, bài toán ấy đã nhiều lần được mang ra cho các cơ quan chức năng, các chuyên gia cả trong nước và nước ngoài cùng “chụm đầu” tìm lời giải. Thế nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm được đáp số đúng bởi nó có quá nhiều “ẩn số”, nhiều “nghiệm”. Lần này, bài toán ấy lại được đặt trên bàn với những giải pháp như hạn chế xe cá nhân, bố trí lệch giờ làm, giờ học.

Hà Nội và TP.HCM, tuy chưa được “xếp hạng” vào top ten “10 thành phố ùn tắc giao thông nhất thế giới như Bắc Kinh, Matxcơva, Sao Paulo (Brazil)… đến mức phải dùng trực thăng, song trên diễn đàn Quốc hội đã có đại biểu lên tiếng cảnh báo về tình trạng khẩn cấp “úng lụt giao thông”. Hơn chục năm trước, nhiều nhà chuyên môn đã cảnh báo tương lai “mờ mịt” giao thông ở hai thành phố lớn nhất cả nước, mặc dù bây giờ nhìn lại quá khứ, nhiều người hài hước nói “bao giờ cho đến ngày xưa”. Thực trạng giao thông tắc nghẽn, căng thẳng quá sức chịu đựng như hiện nay, thực ra đã được tích tụ, dồn nén qua từng năm.

Có ba nguyên nhân chủ yếu được Bộ GTVT và chính quyền Hà Nội, TP.HCM rút ra là do tỷ lệ đất dành cho giao thông trong đô thị thấp, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, phương tiện giao thông công cộng phát triển chậm. Nguyên nhân về ý thức người tham gia giao thông và cơ sở hạ tầng yếu kém chẳng qua là hệ quả của ba nguyên nhân trên. Một số chuyên gia quy hoạch đô thị, giao thông đã đặt ngược câu hỏi: Phải chăng hậu quả hôm nay là sai lầm của hôm qua? Vì sao đất dành cho giao thông ít, phương tiện cá nhân nhiều, phương tiện công cộng ít? Chính sách phát triển đô thị trong nhiều năm qua, khiến cho dân số đô thị tăng vọt. Dân cư tăng thì đương nhiên hạ tầng giao thông quá tải. Hàng loạt cao ốc văn phòng, công sở, khách sạn trong “ruột” Hà Nội và TP.HCM chen chúc mọc lên đã “cuốn hút” mật độ dân số tăng đáng kể.

Đó là chưa kể hàng chục trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện lớn nhỏ hầu như vẫn “bám trụ” trong trung tâm. Dân số tăng kéo theo xe máy, ô tô con tăng thì kẹt xe, ùn tắc là tất yếu. Một chuyên gia quy hoạch kiến trúc đô thị thừa nhận, lẽ thường trước khi phát triển đô thị có “độ nén” dân số cao thì chính quyền phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông công cộng trước. Đằng này lại làm ngược lại nên ngày càng bế tắc. Bộ GTVT và chính quyền hai thành phố đang bàn tính một số giải pháp như hạn chế xe cá nhân, thu phí ô tô ở một số khu vực trung tâm; tăng cường đầu tư cho xe buýt. Chủ trương khuyến khích dùng xe công cộng là đúng nhưng muốn khả thi thì cần cấp tốc hoàn thành các tuyến xe điện ngầm, đường sắt trên cao, xe buýt có đường riêng. Một giáo sư về quy hoạch vùng và đô thị cho rằng. Khi số đông dùng xe máy, thậm chí người đi bộ cũng không còn chỗ đi thì rõ ràng là, đô thị có mật độ dân số quá cao so với mặt bằng, đô thị chật chội chứ không phải vì số lượng xe. Hạn chế xe cá nhân chỉ là giải pháp “phần ngọn” cũng như bố trí lệch giờ chỉ là tình thế.

Tựu trung lại, bài toán giao thông đô thị “tắc” chính là từ quy hoạch. Xây dựng bất cứ công trình nào trong đô thị cũng có nghĩa là tăng mật độ dân cư. Chỉ có kéo giãn dân, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện ra ngoại thành, đồng thời mở rộng các cửa ngõ của hai thành phố thì mới giải quyết được tận gốc ùn tắc giao thông.