Tắc trách đến bao giờ?

ANTĐ - Câu chuyện đau lòng về nữ sinh Lê Thị Hà Vi đang bước vào ngưỡng tuổi đẹp nhất của đời người với biết bao ước mơ hoài bão, bỗng dưng trở thành người khuyết tật chỉ vì sự tắc trách của cán bộ y tế đã xảy ra cách đây ít hôm. 

Dư luận bức xúc, bởi đây không phải là lần đầu tiên những sự việc như thế này xảy ra. Đã có rất nhiều những trường hợp đau lòng như bệnh nhân, sản phụ, trẻ sơ sinh... suýt tử vong hay tử vong mà dù kết luận nguyên nhân do chuyên môn của cán bộ y tế, hay do bệnh tình khách quan thì đều có điểm chung là thái độ thờ ơ, tắc trách của cán bộ y tế.

Sau mỗi sự việc, thường đều là những lời xin lỗi, nhận trách nhiệm nhưng không đủ làm vơi nỗi đau của nạn nhân và gia đình, không nguôi sự bức xúc từ phía dư luận.

Khách quan mà nói, những năm gần đây, ngành Y đã có những thay đổi tích cực về cả chuyên môn lẫn thái độ phục vụ bệnh nhân. Không thể không ghi nhận, cán bộ y tế nước ta nhiều người giỏi, nhiều người có tâm, dù còn nhiều khó khăn nhưng trên nhiều bình diện đã khiến y học thế giới phải nể phục.

Cũng phải nói, nếu nhìn một cách cơ học thì ngành Y cũng như nhiều ngành khác, cán bộ có thể mắc những sai lầm. Nhưng cán bộ ngành Y có những “thiệt thòi”, là sai lầm của họ thường khó được chấp nhận, vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề hệ trọng nhất của con người, đó là sức khỏe và tính mạng. 

Phải chăng vì thế nên những thành tựu, những việc làm tốt của ngành Y thì dư luận ít để ý, nhưng nếu có sự cố thì lập tức sẽ bị phán xét gay gắt? Không hẳn như vậy. Bởi trên thực tế thì bất kỳ nền y học nào, dù là tiên tiến nhất trên thế giới cũng đều không tránh khỏi rủi ro, điều mà không một ai muốn.

Cõ lẽ cái sự bức xúc, là bởi vì nó được dồn nén từ hàng loạt những “sai lầm” không ngoài chuyên môn mà ngành Y ở Việt Nam đang mắc phải, trong đó, căn nguyên chủ yếu xuất phát từ tư tưởng “ban ơn”, thay vì phục vụ, chăm sóc người bệnh như những khách hàng, như người thân.

Thế nên, câu nói của người nhà của bệnh nhân Lê Thị Hà Vi rằng: “Ở Cư Kuin đi bệnh viện sợ lắm, vào chữa bệnh cứ như ngồi trên đống lửa ấy Bộ trưởng ơi!”, thật đau lòng nhưng đó cũng là tâm trạng của rất nhiều bệnh nhân hiện nay.

Dù ngành Y tế đang rất nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ, dù Bộ trưởng đã phải trực tiếp đứng ra xin lỗi và nhận trách nhiệm trong nhiều vụ việc đau lòng, nhưng chính mỗi cán bộ y tế, họ mới là “bộ mặt” của ngành Y. Vì vậy, nếu muốn chọn phục vụ ngành Y thì trước tiên phải xem xét mình có đủ trách nhiệm và trình độ để thực hiện y đức trước đã.

Chỉ một suy luận thông thường, nếu khi vào viện, bệnh nhân nhận được một thái độ phục vụ tận tâm, coi trọng, yêu thương từ các y, bác sĩ thì dẫu xác suất không may có đến thì có lẽ sự bức xúc cũng sẽ được xoa dịu phần nào!