Kỷ niệm 125 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/19-5-2015):

Tác phẩm về Bác của nhà văn “Búp sen xanh” được đón nhận nhiệt thành

ANTĐ - Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng với  lòng kính yêu Bác, nhà văn Sơn Tùng vừa kịp hoàn thành cuốn sách “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng chia sẻ “Không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn tôi đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch”.  

Tác phẩm vừa được ra mắt sáng 15-5 tại trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội. Vì lý do sức khỏe, nhà văn Sơn Tùng đã không thể tham dự buổi ra mắt sách. Tuy vậy, sức hút từ tên tuổi của nhà văn “Búp sen xanh” đã khiến buổi ra mắt sách thu hút được đông đảo các em học sinh và phụ huynh.

Nhiều bậc phụ huynh đã bày tỏ niềm hy vọng sẽ được gặp gỡ, trò chuyện cùng cây bút nổi tiếng viết về Bác, song đành ngậm ngùi tiếc nuối vì sự vắng mặt của tác giả. Để lấp vào “khoảng lặng” của buổi ra mắt sách, NXB Kim Đồng đã tổ chức cuộc giao lưu giữa các độc giả và họa sỹ Lê Lam, người đã vẽ minh họa cho cuốn sách “Từ làng Sen” (của nhà văn Sơn Tùng), họa sỹ Văn Thơ, người đã vẽ minh họa tác phẩm “Theo chân Bác” (thơ Tố Hữu) và nhà thơ Trần Đăng Khoa. 

Tác phẩm về Bác của nhà văn “Búp sen xanh” được đón nhận nhiệt thành ảnh 1

Tác phẩm “Bác Hồ và các em thiếu nhi” của họa sỹ Đỗ Mạnh Cường

Nhiều câu hỏi thông minh đến từ các độc giả nhỏ tuổi đã khiến các vị khách mời cũng phải “vắt óc” để trả lời. Ví như câu hỏi “Làm thơ về Bác Hồ dễ hay khó?” dành cho nhà thơ Trần Đăng Khoa, hay để vẽ minh họa được tập thơ “Theo chân Bác”, họa sỹ Văn Thơ đã theo Bác đến những nơi nào?… Họa sỹ Lê Lam chia sẻ, dù chỉ được gặp Bác Hồ một lần tại chiến khu Việt Bắc, nhưng hình ảnh Bác luôn in đậm trong trái tim ông và cuốn sách “Từ làng Sen” là một dịp may hiếm có ông được vẽ về Bác, được thể hiện lòng biết ơn đối với Người. Phần trả lời của 2 họa sỹ và đặc biệt là nhà thơ Trần Đăng Khoa đã giúp các em nhỏ hình dung được, chỉ bằng lòng kính yêu đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mới giúp người nghệ sỹ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn song lại khắc họa giản dị hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Cuốn sách “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng không chỉ tái hiện được hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành với ý chí sắt đá quyết ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ mà ở một góc khác, cuốn sách còn khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Tác phẩm về Bác của nhà văn “Búp sen xanh” được đón nhận nhiệt thành ảnh 2

Tác phẩm dành cho thiếu nhi “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”-nhà văn Sơn Tùng

Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi Người rời bến Nhà Rồng. Tác phẩm được nhà văn Sơn Tùng chỉnh sửa từ kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” đã thực sự bồi đắp thêm tình cảm, tình yêu Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi em học sinh.

Cũng trong dịp này, NXB Kim Đồng còn ra mắt tác phẩm “Bác của chúng ta” của nhà văn Bích Thuận. Qua cuốn sách, độc giả sẽ hiểu hơn về những năm tháng Người bôn ba tìm đường cứu nước, những ngày bị giam cầm tại nhà tù của Tưởng Giới Thạch và trở về Việt Nam, gây dựng phong trào cách mạng rộng khắp; những ngày đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với biết bao khó khăn, hiểm nguy… Những câu chuyện ấy vẫn luôn là bài học giàu ý nghĩa với bạn đọc trẻ tuổi hôm nay.  

Sáng 15-5, triển lãm “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi” đã diễn ra tại trường Tiểu học Thực nghiệm Hà Nội. Triển lãm gồm 70 bức ảnh và tranh minh họa, thể hiện nghĩa tình sâu nặng mà Bác đã dành cho nhiều thế hệ phụ nữ và thiếu nhi Việt Nam. Đặc biệt, Triển lãm cũng dành một không gian trang trọng trưng bày tranh của họa sỹ Lê Lam vẽ minh họa tác phẩm “Từ làng sen” và họa sỹ Văn Thơ vẽ minh họa tác phẩm “Theo chân Bác”.

Một góc triển lãm “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi”

 Chiều cùng ngày, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã khai mạc phòng tranh về Bác Hồ và cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài. 120 tác phẩm của 100 tác giả đã phản ánh đa dạng góc nhìn của các họa sỹ, nhà điêu khắc về vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Thông qua tác phẩm, các họa sỹ đã bày tỏ lòng biết ơn, tình cảm kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.