Tác phẩm nghệ thuật bị phóng uế: Không còn là chuyện nhỏ!

ANTD.VN - Chuyện tác phẩm nghệ thuật bị coi như… nhà vệ sinh ở hồ Gươm đã không còn là chuyện hy hữu ở Việt Nam. Trước đó, nhiều công trình công cộng đã rơi vào tình trạng tương tự chỉ vì ý thức kém của người dân.

Tác phẩm “Tháp” bên Hồ Gươm đã bất đắc dĩ trở thành nhà vệ sinh 

Nhà điêu khắc Mai Thu Vân, đồng tác giả của công trình “Tháp” bên hồ Gươm đã từng 2 lần chứng kiến đứa con tinh thần bị “bạo hành”. Vào dịp Tết nguyên đán 2019, một công trình kim tự tháp được tạo hình như những cành đào Tết nếu nhìn từ xa, đã nhanh chóng bị xô vẹo, xuống cấp.

Kim tự tháp được thiết kế với cửa ra và cửa vào thông thoáng, trẻ nhỏ và người lớn có thể vào bên trong để khám phá, nhưng lại không được thiết kế để leo trèo. Những nan tre mảnh dẻ đã bị đứt gãy, tách rời trước những đứa trẻ nghịch ngợm và hiếu động. Và 340 bóng đèn thắp sáng, dùng làm trang trí để tác phẩm trở thành một bầu trời đầy sao vào buổi tối, cũng bị người dân lấy đi không ít. 

Trước sự lên tiếng của báo giới và giới nghệ sĩ, sau đó, tình trạng thiếu ý thức này đã chấm dứt và tác phẩm của Mai Thu Vân đã được “cứu sống”. Dù đã rút kinh nghiệm, đã nghiên cứu nhưng chỉ trong thời gian ngắn, nhà điêu khắc này lại một lần nữa phải chứng kiến đứa con đẻ của mình bị người dân phóng uế bừa bãi.

Sự nhầm lẫn giữa công trình nghệ thuật và nhà vệ sinh chỉ là sự lấp liếm cho ý thức kém của một bộ phận người dân và làm ảnh hưởng trực tiếp tới sự thụ hưởng thẩm mỹ của đông đảo du khách. Các tác phẩm nghệ thuật bị đối xử tệ bạcc như tác phẩm “Tháp” bên Hồ Gươm không phải trường hợp hiếm gặp ở Việt Nam. Những công trình như thế đã buộc phải tháo dỡ hoặc có tồn tại cũng xuất hiện với diện mạo nham nhở, nhếch nhác. 

Nhiều người còn nhớ, công trình tượng đài tại một di tích lịch sử nổi tiếng đã bị một nam thanh niên đu bám, leo trèo để chụp ảnh và tung lên mạng. Hay hình ảnh một chàng trai ngồi chễm trệ trên tượng đài Lý Thái Tổ đã khiến nhiều người bức xúc, lên án. Những hành động vô ý thức đã bị cộng đồng lên án và sau mỗi sự việc được phát giác, tình trạng “hồn nhiên” phá hủy các công trình nghệ thuật lại diễn ra theo những hình thức không thể ngờ tới.

Chụp ảnh với tượng đài không nhất thiết phải “chen chân” như thế này

Trường hợp của “Tháp”, công trình nghệ thuật đặt bên hồ Hoàn Kiếm là một ví dụ. Nhà điêu khắc Mai Thu Vân chia sẻ, sau tác phẩm kim tự tháp, nhóm nghệ sĩ đã sáng tạo nên một công trình khác có độ bền vững tốt hơn nhưng không hình dung, một tác phẩm nghệ thuật lại trở thành… nhà vệ sinh cho số ít người. Đó là thực trạng đau lòng và cũng nỗi lo lắng của nghệ sĩ khi đưa tác phẩm ra không gian ngoài trời. 

Điều cốt lõi để giải quyết tình trạng này nằm ở việc nâng cao ý thức tôn trọng nơi công cộng. Và để làm được điều này cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Không thể vì ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt mà hạn chế sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật công cộng. Các nghệ sĩ sẽ cố gắng theo những cách rất riêng, để mang lại những không gian nghệ thuật cho tất cả cộng đồng. Hôm nay làm chưa được, ngày mai sẽ được. Hãy tin như thế!