Tác nghiệp trong hỏa hoạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tác nghiệp tại các “điểm nóng”, những nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh rất dễ xảy ra bất trắc, hiểm nguy với bất kỳ ai. Thế nhưng đối với đội ngũ phóng viên, khi đã dấn thân, họ luôn “cháy lửa nghề” để có được những thông tin nóng, nhanh, kịp thời từ hiện trường.

Cảm xúc “nóng” từ hiện trường

Phóng viên Chu Hương

Phóng viên Chu Hương

Nhiều năm theo dõi thông tin thời sự về tình hình an ninh, trật tự và sự kiện đột xuất, tác nghiệp tại nơi xảy ra hỏa hoạn luôn đọng lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Đó là những xúc cảm buồn, thương, xót xa, đau đớn xen lẫn ám ảnh trong từng thước phim hay bức ảnh chúng tôi ghi lại từ hiện trường. Một trong những vụ hỏa hoạn kinh hoàng khiến tôi không thể nào quên là vụ cháy nhà xưởng tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Thời điểm đó, vụ cháy xảy ra vào khoảng 2h sáng 12-4-2019, nguyên nhân do chập điện đã khiến 8 người thiệt mạng. Tôi có mặt tại hiện trường lúc 6h sáng, khi đó vụ cháy đã được dập tắt. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn - CATP Hà Nội đang bảo vệ hiện trường, di dời các thi thể nạn nhân ra ngoài. Tuy không phải là lần đầu chứng kiến sự thảm khốc tại hiện trường các vụ hỏa hoạn, nhưng những hình ảnh của vụ cháy này, với tôi, có lẽ, suốt đời không quên.

Được sự đồng ý của cán bộ bảo vệ hiện trường, chỗ tôi đứng là cửa nhà xưởng, ngăn cách với bên ngoài chỉ một sợi dây niêm phong của lực lượng Công an. Đập vào mắt tôi khi đó là hình ảnh lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy di chuyển các thi thể nạn nhân đã bị “tàn phá” của lửa và khói. Tột cùng đau đớn nhất là hình ảnh một gia đình công nhân nhà xưởng gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ. Theo lời kể của người nhà, người vợ của anh công nhân này buổi tối trước hôm xảy ra vụ cháy vừa đưa hai con từ quê lên Thủ đô. Cả nhà nằm ngủ đợi đến 4h sáng để đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương thì vụ hỏa hoạn xảy ra… Cả gia đình ra đi trong đau thương đến buốt lòng người chứng kiến. Cháy tan. Lửa tàn. Nỗi đau còn mãi. Day dứt người sống và đeo đẳng thân nhân các nạn nhân.

Có thể nói, tác nghiệp trong hỏa hoạn, chụp ảnh công tác chữa cháy của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thì dù ở vòng ngoài nhưng khói xộc vào mũi rất khó chịu, về tới nhà vài tuần tôi vẫn bị ám ảnh bởi mùi khói, khí nóng và hình ảnh hiện trường. Khi đối mặt với sức nóng khủng khiếp mới thấy dù lực lượng cứu hỏa có quần áo, thiết bị chuyên dụng, tôi vẫn cảm thấy sự quả cảm của các anh đáng trân trọng biết nhường nào. Để cứu được tính mạng và tài sản của người dân, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong màu áo xanh phải quả cảm, lao mình vào ngọn lửa đỏ. Để sau đó, những gương mặt nhem nhuốc khói bụi xen lẫn lo âu, những chiếc bánh mỳ ăn dở trong những ánh nhìn buồn bã… dường như vẫn chưa lột tả hết được những gian nan các anh trải qua.

Bao nhiêu vụ cháy là bấy nhiêu lần phóng viên chứng kiến sự vất vả, hy sinh lặng thầm của người lính chữa cháy

Bao nhiêu vụ cháy là bấy nhiêu lần phóng viên chứng kiến sự vất vả, hy sinh lặng thầm của người lính chữa cháy

Những khoảnh khắc “cháy lửa nghề”

Mỗi vụ cháy, nhất là các vụ cháy lớn, tôi thường thấy trước khi tổ chức chữa cháy, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thường đưa các chiến sĩ “trinh sát lửa”, được trang bị đồ bảo hộ chống cháy, làm nhiệm vụ tiếp cận sâu để xác định nguồn lửa và các khu vực nguy hiểm, sau đó ra ngoài báo cáo. Từ đó, các chiến sĩ bên ngoài có hướng tiếp cận an toàn, khống chế ngọn lửa. “Trinh sát lửa” sau đó cũng cùng đồng đội tham gia chữa cháy, cứu người. Do vậy, mỗi khi tác nghiệp ở các vụ hỏa hoạn, tôi thường chọn vị trí thuận lợi, có lối thoát khi tình huống xấu xảy ra. Bởi, trong một vụ cháy, thật khó để biết trước khu vực nào an toàn và mức độ nguy hiểm ra sao. Phóng viên tác nghiệp tại các vụ cháy thường rất nguy hiểm bởi trần, tường nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào do sự tàn phá khủng khiếp từ ngọn lửa. Là phóng viên nữ, mỗi lần tác nghiệp trong các vụ hỏa hoạn, tôi thường chọn bám sát phía sau lực lượng phòng cháy, chữa cháy để tác nghiệp để đảm bảo an toàn hơn. Tuy nhiên, với phóng viên ảnh, quay phim, việc tiếp cận hiện trường càng sớm càng tốt để ghi lại những khoảnh khắc điển hình về vụ cháy, công tác dập lửa, đồng thời nắm bắt thông tin ban đầu về vụ cháy là điều rất quan trọng.

Có nhiều vụ cháy, nếu phóng viên không mạo hiểm tiếp cận sâu vào bên trong, nếu không hết mình “cháy lửa nghề”, sẽ không có những bức ảnh lột tả được nỗ lực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và sự dữ dội của ngọn lửa. Một “bí quyết” của chúng tôi mỗi khi tác nghiệp vụ cháy đó là mang theo khẩu trang, một chiếc khăn và trên người luôn mặc một chiếc áo khoác. Riêng đi làm tin về cháy nổ, trong lúc tác nghiệp, phóng viên phải dùng khăn trùm đầu, đeo khẩu trang, mặc áo khoác nhằm hạn chế khói bụi, hóa chất độc hại và sức nóng từ đám cháy tỏa ra. Cũng nhờ thói quen này mà tôi đã không bị ảnh hưởng đến sức khỏe trong vụ cháy xảy ra tại Nhà máy Rạng Đông, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân năm nào. Ngoài ra, phóng viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là kỹ năng thoát hiểm. Bởi, mỗi người một nhiệm vụ, dù là phóng viên, lực lượng chức năng hay người dân thì tính mạng con người phải là trên hết.

Hình ảnh lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, CATP Hà Nội chữa cháy tại vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy

Hình ảnh lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, CATP Hà Nội chữa cháy tại vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy

Hơi thở sự sống giữa “biển lửa”

Bao nhiêu vụ cháy và tai nạn, sự cố là bấy nhiêu lần phóng viên chúng tôi chứng kiến sự vất vả, hy sinh lặng thầm của người lính chữa cháy, là bấy nhiêu lần những giọt nước mắt rơi theo. Đám cháy tan, tai nạn, sự cố qua rồi nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn dài với người ở lại… Đó là những giọt nước mắt tiếc nuối, xót xa trước tài sản tích cóp cả đời bỗng hóa tro bụi của những người dân, chủ cơ sở nơi xảy ra cháy. Đó là những bàn tay bới lật tàn tro tìm những gì còn sót lại trong tro tàn, đổ nát đầy ám ảnh. Đó là những đau đớn đến tột cùng vì sinh mạng biết bao người đã ra đi vì cháy.

Chứng kiến đau đớn của những người ở lại khi mất đi người thân của chính mình, những tiếng gào thét đến xé lòng, những hình ảnh thương tâm đầy ám ảnh như găm thẳng vào tâm can người ở lại. Mất của, mất nhà, mất tài sản vì cháy là một chuyện nhưng thiệt hại về người là mất mát lớn lao nhất, không gì bù đắp được. Đó là những giọt nước mắt của cộng đồng người dân trên khắp mọi miền đất nước bày tỏ sự tiếc thương vô hạn, những nuối tiếc xót xa sau mỗi vụ cháy. Đó là những giọt nước mắt vỡ òa trong vui mừng, hạnh phúc của cộng đồng khi những người lính chữa cháy thành công “cứu cái còn trong cái mất”, “tái sinh” cho biết bao người giữa biển lửa hay sự cố giữa trùng khơi… Và còn nữa là những giọt nước mắt hạnh phúc, những nụ cười rạng rỡ, mãn nguyện trên môi của lính chữa cháy khi họ truyền hơi thở, nhường mặt nạ cho dân, cõng dân vượt qua biển lửa. Là những giọt nước mắt mặn đắng bờ môi lính chữa cháy khi mặt mũi lấm lem khói bụi, thương tích đầy mình, bàn tay lột từng mảng da đau đớn do lửa hung tàn đang hoành hành mà nơi đó còn nhiều người, nhiều tài sản các anh chưa cứu được. Là những giọt nước mắt ngậm ngùi, đau xót, tự dằn vặt, trách mình khi mỗi vụ cháy hay tai nạn, sự cố xảy ra mà thiệt hại tính mạng của người dân các anh không giải cứu được…

Chúng tôi, những phóng viên theo dõi lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn chứng kiến rõ nhất những khoảnh khắc đó. Nhưng rồi, lý trí và bản lĩnh của người làm báo, chúng tôi lại tiếp tục hành trình ghi lại, chia sẻ và thấu cảm với những nỗi đau bằng cả tấm lòng và nhiệt huyết, đồng thời truyền tải thông điệp đến mọi người dân rằng hãy nâng cao tinh thần chống “giặc lửa”, để chúng tôi sẽ không phải tận mắt chứng kiến nỗi đau do hỏa hoạn gây ra!