Tác nghiệp trên tàu HQ 936

ANTD.VN - Đã 9 năm trôi qua, hình ảnh những con sóng bạc đầu trùm lên chuyến tàu đặc biệt, chở nhóm phóng viên ra quần đảo Trường Sa vẫn còn in đậm trong tôi. Người ta thường nói “Tháng ba bà già đi biển”, vậy mà trên chuyến tàu đến với Trường Sa thân yêu hôm đó, sóng không dịu êm mà rất dữ dội.

Quà của biển

Chiếc máy tính xách tay tôi mang theo đã để trong ba lô và buộc rất chặt vào cột giường tầng trên tàu HQ 936. Vậy nhưng sau khi tôi ra boong tàu và quay trở lại nó đã văng đâu mất. Nhiều máy móc của các phóng viên khác cũng vậy, cũng bị va đập hỏng hóc. Đó là một buổi chiều di chuyển từ đảo Thuyền Chài sang đảo An Bang, thuộc quần đảo Trường Sa. Hải trình hôm đó khiến những người trên tàu đều lo lắng bởi những cơn sóng bạc đầu cao như tòa nhà 5 tầng chùm lên con tàu. 

Khác với mấy ngày đầu hào hứng, thường ra mũi tàu đứng ngắm mặt biển xanh biếc và đàn cá chim lướt theo làn sóng, hôm đó chúng tôi phải chui vào phòng đóng kín cửa lại. Nhiều cô văn công, các nhà báo nữ nằm vật vã, mật xanh, mật vàng... lăn lóc ra sàn tàu sau vài cú giật lắc. Con sóng đôi lúc vượt cao lên cả mũi tầng 2 boong con tàu 2.000 tấn.

Đoàn công tác phải đi xuồng nhỏ lên đảo An Bang giữa ngày sóng to

“Biển động dữ dội. Đề nghị các đồng chí ăn cơm tại phòng” - tiếng loa của Thuyền trưởng thông báo. Khác với mấy ngày trước biển đẹp và phẳng lặng được ăn ngoài boong phía trước tàu, hôm đó, mâm cơm được các chiến sỹ phục vụ dọn mang đến từng phòng, mọi người ngồi ăn nhưng ai nấy đều có nhiệm vụ… giữ chặt nồi cơm, canh, thức ăn, nếu không tất cả sẽ bị hất văng khỏi dụng cụ đựng. 

Hôm đầu tiên cập đảo Trường Sa lớn, tôi đứng giữa quảng trường chính của đảo một lúc lâu, vừa để nhìn lá cờ đỏ sao vàng căng bay trên đỉnh cột mốc chủ quyền, vừa để cảm nhận điều thiêng liêng ở nơi phên giậu giữa trùng khơi Tổ quốc thân yêu. Để có nhiều thông tin, tôi thường “bám” đồng chí chính trị viên tàu Nguyễn Việt Cường. Người chính trị viên này rất cởi mở, thường hay mách cho tôi vị trí để có được những bức ảnh đẹp mà an toàn nhất.

Khi tàu nhổ neo di chuyển đến những điểm đảo chìm, tôi lên cabin lái ngồi cạnh đồng chí Thuyền trưởng - Đại úy Nguyễn Văn Sửu, vừa là để thỏa chí tò mò, vừa để tìm hiểu nhiều thứ còn bỡ ngỡ. Đại úy Sửu bảo: “Hôm nay biển động như thế này chỉ bằng một phần mười của những tháng áp Tết. Thời điểm đó biển động dữ dội nhất, có khi cả hải trình đều đi trong sóng to gió lớn, không vào được đảo mà các chiến sỹ phải đi xuồng ra lấy lương thực và quà Tết. Nếu hôm nay sóng vẫn giữ cường độ này thì khi đến nhà giàn DK1, neo tàu để lên đó là điều không thể”. 

Đảo An Bang sóng đang bao trùm trắng xóa, hất tung những roi cát dưới chân cột ngọn hải đăng bụi mù mịt. Tôi không nằm trong danh sách được vào đảo này, nhưng vì máu nghề nên tôi nhanh trí xuống xuồng nhỏ trước mọi người. Đặt chân lên đảo, những hình ảnh trước mắt cho tôi thấy người lính biển thật khéo tay.

Họ làm cho tôi bị mê hoặc bởi sự tiết kiệm đầy sáng tạo. Những vỏ lon bia, chai nhựa, vỏ con ốc biển nhỏ xíu cũng trở thành đồ trang trí bắt mắt. Những luống rau muống, rau mùi, rau thơm, mùng tơi, bí xanh, mướp… xanh rì ngăn nắp trong thùng xốp. 

Tôi được leo lên ngọn đèn biển An Bang theo sự hướng dẫn của Đảo trưởng. Từ “mắt thần” An Bang có thể nhìn bao quát cả vùng biển rộng lớn. Thượng sỹ Nguyễn Văn Thịnh, quê Hải Hậu, Nam Định mến khách như bao chiến sỹ lính thủy khác. Anh chỉ từng luống rau muống rồi hướng dẫn tôi cách trồng sao cho tốt, rồi chỉ từng cây bàng vuông, gốc phong ba tại sao bị quăn tít lá, cành chồi cứ quấn chặt lấy nhau. Anh lý giải, là do ngày đêm đứng chắn ngoài bờ sóng, nên cây mới ra như vậy. 

Những người lính thủy, ai cũng có làn da đen căng khỏe đến đặc biệt vì nhuốm vị mặn mòi của biển cả. Đảo An Bang có những cồn cát thường xoay quanh đảo. Các vị trí cứ chuyển dần theo con sóng, nhưng tuyệt không mất đi đâu phần nào mà chỉ như ôm đảo vào lòng. Tôi trở về tàu cùng chiếc vỏ ốc biển trắng ngà tuyệt đẹp. Đó là món quà của lính biển thường dành để tặng nhà báo khi ra đảo.

Nghĩa tình người lính biển

Tôi được Thượng sỹ Nguyễn Văn Thịnh nhờ mang lá thư về cho mẹ ở Nam Định. Anh bảo trong thư viết không có gì bí mật cả, chỉ muốn nhắn mẹ ở nhà yên tâm, giữ sức khỏe, con trai mẹ ở đơn vị khá đầy đủ và đã tăng được 2kg kể từ khi nhập ngũ.

Năm 2007, sóng điện thoại chưa có ở một số đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa. Vì thế, những cánh thư gửi về đất liền thường được mang vào dịp có tàu ra thăm đảo, nhất là gặp được đồng hương thì những chàng lính trẻ phải tức tốc viết thư gửi về cho gia đình, người thân ngay. 

Đêm hôm đó, trăng muộn trên biển rất đẹp. Có lẽ đời làm báo ai cũng mong có được chuyến đi trải nghiệm đầy ý nghĩa như thế. Từ trên cao điểm của boong tàu có thể nhìn rõ một vùng biển rộng lớn. Giờ này, mọi hoạt động trên tàu chỉ còn những chiến sỹ làm nhiệm vụ theo hải trình đưa tàu đến điểm đảo tiếp theo an toàn. Tất cả đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày thấm mệt vì vật lộn với sóng gió.

Còn tôi, ngồi ngoài ban công tầng cao nhất của con tàu, khởi động máy tính (được tôi tìm thấy trong đống đồ đạc lộn xộn cuối phòng nghỉ, rất may không bị hỏng) để viết những dòng cảm xúc gửi từ Trường Sa về đất liền. Trong dòng suy tưởng về một Trường Sa thiêng liêng đang diễn ra trước mắt với biết bao nhiêu điều muốn gửi về đất liền, tôi không thể nhớ hết chi tiết câu chuyện và tên tuổi của từng người lính biển mà tôi đã gặp trên từng đảo chìm. Tôi mở chiếc máy ghi âm để nghe lại họ nói gì, gửi gắm tình cảm thế nào, nhưng thật không may nó đã bị… tịt. 

Cơ sự do buổi chiều chỉ sợ không được lên đảo An Bang tôi đã vội xuống xuồng nhỏ nên bọc đồ đạc vào nilon không cẩn thận. Sóng biển đã làm chiếc máy ghi âm bị ướt và mất toàn bộ dữ liệu từ buổi chiều và trước đó. Rất may, nhiệm vụ viết bài của tôi đã được các thủy thủ trên tàu HQ 936 giúp đỡ khi mọi người đều đồng ý trả lời phỏng vấn vào sáng hôm sau. 

Và “Gần lắm Trường Sa” - tôi đã mượn tên một bài hát về biển đảo quê hương để chuyển tải những cảm xúc lần đầu tiên đến với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc gửi về tòa soạn. Giờ mỗi khi nhìn vỏ ốc biển mang về từ Trường Sa và những bức ảnh về nơi ấy, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc khó tả.

Ai đã một lần được đặt chân đến với Trường Sa sẽ lưu giữ cho riêng mình kỷ niệm đẹp, nhưng có lẽ trong dòng cảm xúc ấy đều có điểm chung về lòng tự hào, thiêng liêng khi đứng dưới mốc chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.