Tác hại của kính áp tròng

ANTĐ - Thời gian gần đây trào lưu đeo kính áp tròng (contact lens) để khiến đôi mắt to đẹp, long lanh và ấn tượng hơn đang trở thành “mốt” của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc sử dụng kính áp tròng thường xuyên có thể gây ra các bệnh khô mắt, đau mắt, loét giác mạc, thậm chí có thể mù loà.

Cẩn thận khi sử dụng kính áp tròng, tránh những biến chứng cho mắt

Đẹp đâu không thấy

Gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp học sinh, sinh viên, giới làm việc văn phòng, những người hoạt động trong giới nghệ thuật,… gặp các biến chứng đau mắt đỏ, nhức mắt, viêm loét giác mạc, do đeo kính áp tròng không rõ nguồn gốc và không được hướng dẫn đúng thao tác. Có trường hợp cứu chữa muộn đã bị mất thị lực vĩnh viễn. Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương thì kính áp tròng được xem là thiết bị y tế, dùng điều chỉnh các tật khúc xạ của mắt, hoặc dùng để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, điều trị một số bệnh nhãn khoa. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều bạn trẻ đã sử dụng loại kính này để có đôi mắt ấn tượng hơn. Đây cũng là một trong những lý do khiến số lượng bạn trẻ đến điều trị các bệnh liên quan đến giác mạc tăng đột biến.

Bạn Nguyễn Thu Hằng- sinh viên ĐH Ngân hàng, điều trị viêm giác mạc cấp tính tại Bệnh viện Mắt Trung ương hơn 1 tuần nay cho hay, nhiều tháng nay Hằng đã “nghiện” đeo kính áp tròng. Mặc dù Hằng không có vấn đề gì về mắt nhưng vì muốn có đôi mắt to, tròng mắt đẹp và ấn tượng nên Hằng đã sử dụng kính áp tròng để làm đẹp. Cách đây 2 tuần, Hằng bỗng thấy mắt đỏ quạch như máu, đau nhức khó chịu và không nhìn rõ mọi vật nên đã đến bệnh viện khám. Hằng được các bác sỹ cho biết hậu quả của việc đeo kính áp tròng trong một thời gian dài đã khiến mắt Hằng bị viêm giác mạc nặng. Nếu không điều trị ngay có thể dẫn đến giảm thị lực, thậm chí vĩnh viễn không nhìn lại được.

Việc sử dụng kính áp tròng thường xuyên gây ra tình trạng viêm giác mạc và các chứng bệnh về mắt đã được các bác sỹ cảnh báo rất nhiều. Tuy nhiên, bất chấp những tác hại của nó, nhiều bạn trẻ vẫn coi thường, thậm chí xu hướng đeo kính áp tròng giãn tròng, đổi màu mắt… còn phổ biến ngay cả với giới văn phòng, công sở. 

Rước hoạ vào thân

Tại Mỹ, việc bán những cặp kính này là bất hợp pháp nhưng các nhà quản lý không thể ngăn được việc mua bán qua mạng. Hiệp hội Nhãn khoa Mỹ cảnh báo: những người mua các loại kính áp tròng để làm mắt to tròn bất thường mà không có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn nặng khi thực hiện thao tác lắp kính áp tròng vào mắt hoặc sẽ bị tổn thương chức năng mắt dẫn đến có thể bị mù. Ngoài ra, còn có các nguy cơ khác là: viêm kết màng (sưng hay viêm nhiễm màng quanh mí mắt), sưng, dị ứng và hay tạo màng sừng do bị xây xước, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng….

Với giá thành từ 250 - 300 nghìn đồng/cặp kính, nhiều người đã không ngại chi tiền để có được đôi mắt ấn tượng. Khi hỏi các chủ cửa hàng việc đeo kính áp tròng có gây tác hại cho mắt hay không thì câu trả lời mà chúng tôi nhận được là hoàn toàn không, người dùng chỉ cần dùng dung dịch rửa và tra thuốc đều đặn 2 tiếng/lần để tránh khô mắt là ổn… Tuy vậy, theo bác sỹ Nguyễn Quốc Tuấn - Bệnh viện Mắt Trung ương thì việc đeo kính áp tròng cả ngày sẽ khiến cường độ mắt làm việc nhiều hơn, thậm chí nếu đeo lâu có thể gây vi sang chấn, tức là những chấn thương nhỏ, không thể phát hiện khi nhìn bằng mắt thường. Những vết xước này nếu không được điều trị ngay có thể trở thành sẹo làm suy giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa. Việc dùng kính áp tròng không thể đảm bảo vệ sinh 100% như kính gọng. Bởi bề mặt kính áp tròng có chứa nhiều vi khuẩn, do kính đeo gần mắt, nên các vi khuẩn càng dễ dàng xâm nhập vào mắt, gây các bệnh khô mắt, đau mắt.

Ngoài ra, việc ngâm rửa kính thường xuyên trong dung dịch cũng gieo rắc thêm mầm bệnh. Các nhà khoa học đã tìm thấy trong dung dịch nước rửa kính một loại ký sinh trùng tên là acanthamoeba có thể tồn tại rất lâu, có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng mắt nguy hiểm. Ngoài những tác hại kể trên, đeo kính áp tròng thường xuyên còn có thể khiến mắt thiếu oxy, dẫn đến tình trạng khô mắt, dẫn tới loét giác mạc và có tỉ lệ mù lòa cao.