Tác giả của "cơn sốt" Lê Bích: Tự giễu mình chứ không châm chọc, đả kích ai

ANTĐ - Một nhân vật thanh niên “bụng phệ” hài hước với những phát ngôn để đời bỗng dưng “sốt xình xịch” trong cộng đồng mạng. Thế nên, chắc hẳn ai cũng tò mò về Đinh Trần Tuấn Linh - tác giả đứng đằng sau nhân vật ảo Lê Bích và  khiến cho “gã” hiên ngang bước vào cuốn sách được độc giả lùng sục cả tuần nay -  “Đời về cơ bản là buồn cười”. 
Tác giả của "cơn sốt" Lê Bích: Tự giễu mình chứ không châm chọc, đả kích ai ảnh 1

Bìa cuốn sách “Đời về cơ bản là buồn cười” 

- Chào Đinh Trần Tuấn Linh, anh có thể cho biết cơ duyên nào đưa Lê Bích đến với anh được không ?

- Tác giả Đinh Trần Tuấn Linh: Thấy mọi người ai cũng than thở, cau có, nên tôi viết một vài dòng gây cười trên facebook, cũng để làm giãn đi những khuôn mặt sầu não chúng ta thường thấy. Một ngày, cô bạn tôi nói rằng: “Ông viết trên facebook thì chỉ có một vài trăm bạn của ông xem thôi, sao không viết lên báo cho nhiều người đọc”. Thế là “tiền Lê Bích” xuất hiện trên tạp chí Đẹp! Tròn một năm, tôi thấy những phát ngôn của mình tràn ngập trên mạng. Anh bạn tôi là họa sỹ, lúc đó nảy ra ý kiến mở một trang facebook, “nhét” những câu nói ấy vào một nhân vật ảo. Lê Bích ra đời như vậy đấy. 

Tác giả của "cơn sốt" Lê Bích: Tự giễu mình chứ không châm chọc, đả kích ai ảnh 2

Đinh Trần Tuấn Linh và nhóm tác giả Lê Bích

- Độc giả biết nhiều đến Lê Bích rồi, chắc anh không phiền tiết lộ một chút về “thân phận” những người sáng tạo ra Lê Bích chứ? 

- Một trong những nghề chính của tôi là sản xuất phim, ảnh, truyền hình… Nhưng đứng đằng sau Lê Bích thì có một ekip. Sau khi có ý tưởng, tôi chuyển cho họa sỹ Lê Sơn Tùng để tái tạo bằng hình ảnh. Một số bạn nữa trong nhóm sẽ chịu trách nhiệm biên tập. Đôi khi là phát ngôn thay cho những nhân vật nữ khi tôi không thể.

- Ý tưởng về hình tượng nhân vật Lê Bích được xây dựng như thế nào?

- Quan điểm của chúng tôi là nhân vật phải thật là đơn giản, chủ yếu là anh ta nói cái gì. Bước ra sân khấu nói một câu rồi đi về. Chỉ nói những câu bông đùa, nhẹ nhàng chứ không châm chọc, đả kích ai. Tuy đơn giản nhưng mọi người nói với tôi, nhìn tạo hình Lê Bích là thấy buồn cười. Chúng tôi luôn nghĩ rằng, nhiệm vụ của Lê Bích là làm cho ai đó, ở đâu đó, mỗi ngày cười lên một tiếng. 


- Trong cuốn “Đời về cơ bản là buồn cười”, anh có đề cập đến một chương có tên “Thời đại smartphone” – cũng là một vấn đề nóng hiện nay. Anh nghĩ sao về sự lệ thuộc của giới trẻ vào điện thoại, máy tính bảng… hiện nay?

- Chúng ta đang lệ thuộc vào smartphone, nhưng tôi khẳng định là xã hội đang tự điều chỉnh. Tôi cho rằng đây là một hiện tượng không thể tránh khỏi không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Ý tưởng của Lê Bích là đằng nào ta cũng không “trốn” được nó, thay vì kêu ca, thì chúng ta hãy cảnh báo. Chẳng hạn như “Thời đại gì mà người ta có thể tự tin làm đủ trò trên màn hình điện thoại, trừ việc nhìn vào mắt người khác”, “Thời đại gì mà “bạn bè ngã” thì người ta cười, còn “điện thoại rơi” thì người ta khóc”… đại loại như vậy. Để cảnh báo thì đôi khi Lê Bích phải tự lôi mình ra để chế giễu. 

- Từ một trang facebook có đến hơn 60.000 lượt thích, Lê Bích đột ngột bước vào sách. Chuyển thể nó thành một tác phẩm, điều gì khiến anh e ngại không? 

- Thực sự là rất khó. Vì những phát ngôn của Lê Bích là ngắn, đọng lại trong đầu người ta chỉ 5, 10 giây. Khi chuyển sang sách lại là một câu chuyện khác, vì người ta sẽ cầm cuốn sách, giở liên hoàn. Nhờ có những biên tập viên của Nhã Nam, công cuộc chuyển thể ấy cũng diễn ra khá trơn tru. 


- Nếu để xếp “Đời về cơ bản là buồn cười” vào thể loại nào thì cũng rất khó. Người trẻ thì thích, còn độc giả lớn tuổi lại chỉ coi đây là thể loại tiêu khiển. Anh nghĩ sao?

- Khi làm cuốn sách này chúng tôi không quan tâm lắm xem phải xếp nó vào thể loại nào. Miễn là nó làm cho độc giả cười thì nó là sách gối đầu giường cũng được, để… kê chân cũng được. Tôi cũng gửi cho một vài độc giả lớn tuổi đọc và may quá, họ cũng thích. Vả lại, người làm sách luôn mong muốn bán được càng nhiều càng tốt. Vì thế, sách là thể loại hài kinh dị, nhưng nếu độc giả không ủng hộ, sẽ trở thành thể loại… buồn kinh dị (cười).