- Trung Quốc: Thanh tra giao thông "múa gậy" đánh người gây "bão mạng"
- Ấn Độ: Ám ảnh những cao tốc "tử thần"
- Camera quản lý giao thông - thiết bị đắc lực cho “phạt nguội”: Kinh nghiệm trên thế giới
Giao thông vẫn tắc nghẽn trên đường phố Delhi trong những ngày đầu áp dụng chương trình thí điểm
Tác động đáng ghi nhận
Theo bài phân tích trên Indianexpress ngày 19-1, kế hoạch cho phép xe lưu thông theo biển số chẵn lẻ trên đã giảm mức độ ô nhiễm không khí trong giờ cao điểm ở New Delhi được
10-13% và loại bỏ hơn 1 triệu chiếc ô tô mỗi ngày khỏi các con đường vốn hay bị tắc nghẽn.
Trong ngày đầu tiên của chương trình, các tình nguyện viên đã tặng hoa hồng cho những người vi phạm thay vì vé phạt tiền. Sau đó, những người vi phạm sẽ bị phạt 30 USD. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Chính phủ đã tăng cường dịch vụ tàu điện và thêm xe buýt vào số lượng khoảng 5.000 chiếc đang khai thác.
Cách làm này đã được một số thành phố trên thế giới áp dụng, trong đó có Paris, Mexico City và Bắc Kinh. Với gần 10 triệu phương tiện, thành phố New Delhi của Ấn Độ đã được Tổ chức Y tế Thế giới WHO xếp là thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2014. Tháng 12-2015, mức ô nhiễm không khí ở đây đạt kỷ lục. Với chương trình được thí điểm trong 2 tuần đầu của năm mới, ông Gopal Rai - Bộ trưởng Giao thông và Phát triển nông thôn Delhi cho rằng nó sẽ giúp trẻ em trong thành phố được thở thoải mái hơn vì ngày càng có nhiều trẻ bị các bệnh về đường hô hấp.
Ông Barun Aggarwal, Giám đốc công ty tư vấn về không khí có tên Bearthe Easy cũng ngợi khen đây là chính sách giúp nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường: “Quan trọng là nó khuyến khích người dân đi phương tiện khác như xe buýt, tàu điện, đi bộ, đi xe đạp. Chỉ riêng điều này thôi cũng thành công rồi”. Chính ông Aggarwal cũng là người từng đi xe hơi tới nơi làm việc nhưng ông đã thử các loại phương tiện khác như tàu điện, xe buýt. Ông cho biết thêm: “Có thể nó khiến mọi người không thoải mái nhưng nó không khuyến khích họ mua thêm xe hơi”.
Phương tiện công cộng cần cải thiện
Theo Washington Post, người dân NewDelhi than phiền rằng họ phải nhồi nhét mình vào những chiếc xe buýt đông kín người, trong khi xe lam và xe taxi thu phí cắt cổ. “Chúng tôi phải trải qua thời gian đi lại kinh khủng cứ như một cơn ác mộng!” - một người dân Delhi tên là Suraj Sharma, 24 tuổi đang trên đường tới nơi làm việc cho biết - “Tôi đi tàu điện không tiện. Đi xe buýt phải chờ rất lâu và dạo này rất đông. Xe lam thì thu phí quá cao và cũng không thể tin được xe Uber vì hầu hết giá cũng tăng vọt”.
Thực tế, tình trạng tắc nghẽn giao thông vẫn chưa được cải thiện. Các nhà phê bình cũng còn hoài nghi về kế hoạch cải thiện chất lượng không khí nói trên bởi nguyên nhân ô nhiễm không khí là sự tích hợp của bụi xây dựng, khí thải xe cộ, khói và chất thải công nghiệp. Đáng nói, chính quyền Delhi cũng đưa ra một danh sách những người được miễn áp dụng, trong đó có người đi xe tay ga. Vì thế, người dân lại dùng tới những chiếc xe máy phủ đầy bụi lâu không dùng. Còn theo phân tích của Indianexpress, kinh nghiệm của Mexico City khi thực hiện chính sách tương tự cho thấy, ô nhiễm thậm chí tồi tệ hơn do các hộ gia đình đối phó bằng cách cố mua chiếc xe thứ hai cũ và rất ô nhiễm.
Nhiều người cho rằng, chỉ riêng quy định cho xe lưu thông theo biển số chẵn-lẻ sẽ không đủ để tạo ra một sự khác biệt lâu dài. Có người gợi ý giải pháp này cần kết hợp với chương trình thu phí tắc đường, tức là phương tiện nào muốn sử dụng đường không bị tắc vào giờ cao điểm thì phải đóng phí, biện pháp này rất thành công ở London và Singapore.
Chương trình đi xe biển số luân phiên có thể chưa áp dụng lâu dài nhưng cũng giúp cho người dân địa phương suy nghĩ lại về việc chọn phương tiện giao thông và khuyến khích việc tạo ra các phần mềm giúp họ đi xe chung và điều tiết đường phố. Việc tăng xe buýt và tàu hỏa trong giờ cao điểm trong suốt 2 tuần thử nghiệm cũng cho thấy rằng lịch trình của các phương tiện này sẽ được xem xét lại để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.