Tác động của niềm tin

ANTĐ - Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 8 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội đạt mức tăng trưởng thấp, trong khi mức tăng CPI của TP.HCM cũng thấp hơn so với tháng 7. Cùng với việc giá xăng dầu vừa được điều chỉnh giảm, diễn biến, lạm phát quý III sẽ phụ thuộc nhiều vào điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như dịch vụ y tế, giáo dục, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh hiện được xếp hạng ở mức 99/189 quốc gia.

Theo số liệu thống kê, CPI tháng 8 của Hà Nội tăng 0,19% so với tháng trước, còn nếu so với cùng kỳ năm trước tăng 3,32%. Có 7/11 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất. Có 2 nhóm chỉ số giảm là nhà ở, vật liệu xây dựng, điện nước, chất đốt. Chỉ số CPI của TP.HCM có 5/11 nhóm hàng tăng giá và 4 nhóm hàng giảm giá. So với cùng kỳ năm trước, CPI có mức tăng xấp xỉ 1,26%, tăng cao nhất là thuốc chữa bệnh và dịch vụ y tế, tiếp đó là giao thông, hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Giá xăng giảm vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 chưa tác động tới giá hàng hóa và dịch vụ. Nhìn vào chỉ số CPI và diễn biến lạm phát tháng 8 tại hai đầu tàu kinh tế, một số chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo triển vọng lạm phát trong năm nay có thể ở mức dưới 7%. Mặc dù, giá xăng dầu có giảm, CPI tháng 9 có thể sẽ chịu tác động nhưng không lớn, nhiều khả năng nhóm hàng dịch vụ y tế và giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng. Vì thế, CPI tháng tới có thể cùng mức tăng như những tháng trước. Một số chuyên gia nghiên cứu giá cả thị trường cũng đồng tình với dự báo này khi cho rằng việc hạ giá xăng dầu sẽ tiếp tục đẩy CPI tháng 9 giảm khoảng 0,04-0,05%. Do các tỉnh, thành phố tiếp tục lộ trình tăng giá học phí, nên có thể làm cho CPI cuối quý III so với cùng kỳ, nhiều khả năng tiếp tục trượt giảm và có thể lùi về mức 4,2% so với năm 2013. Từ nay đến cuối năm, theo hiệu ứng dịch vụ, mua sắm, chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng vào dịp nghỉ lễ, Noel… có thể dần được cải thiện. Song, nhiều ý kiến thận trọng nhận định khó có sự bứt phá rõ nét về chỉ số CPI cũng như lạm phát.

Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, CPI tăng chậm giúp tạo dựng niềm tin vào sự ổn định giá trị của đồng tiền, lòng tin vào các giải pháp của Chính phủ. CPI tăng chậm lại làm cho lãi suất tiền gửi thực dương, song cần hướng dòng tiền này chảy vào đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất kinh doanh.