Tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp và giải pháp thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố, có tới 87,2% trong số gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc được khảo sát cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Trung bình mỗi tháng có hàng nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Trung bình mỗi tháng có hàng nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Khó khăn của doanh nghiệp

Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ; có tới 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.

Mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp FDI lớn nhất ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ, với 89,3% cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Doanh nghiệp FDI ở quy mô lớn là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn thứ 2, với con số 88%. Tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhóm quy mô vừa và quy mô siêu nhỏ thấp lần lượt ở mức 87,3% và 87,2%. Nhóm doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ 87,7% chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn, hoàn toàn tiêu cực. Các nhóm doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn một chút, ở mức 86,1%. Lĩnh vực chịu ảnh hướng lớn nhất là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), sản xuất xe có động cơ (93%)…

Kết quả khảo sát 1.564 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng ghi nhận 87,9% chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, 11,4% không ảnh hưởng gì, chỉ có 0,8% vẫn kinh doanh tốt. Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thủy sản (95%). 22% doanh nghiệp FDI cho biết phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm. Số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 đã làm giảm tổng cầu thị trường; gây gián đoạn hoặc đứt gãy các chuỗi cung ứng; ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng; làm giảm đơn hàng, giảm sản lượng hoặc khiến danh nghiệp phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện, dẫn đến giảm sút các dòng tiền và nhân công của doanh nghiệp... Các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu và vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Các chính sách hỗ trợ hữu ích của Chính phủ

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 Việt Nam có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số cao nhất trong 10 năm nay (trong khi mục tiêu phấn đấu 1 triệu doanh nghiệp của cả nước vào năm 2020 không hoàn thành). Một số ngành doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng như dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 13% so với năm trước; du lịch lữ hành giảm nặng tới 59,5% so với năm trước; vận tải hành khách và vận tải hàng hóa lần lượt giảm 29,6% và 5,2%...

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có 59,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 31,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Ngay từ thời kỳ đầu dịch bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19 (theo tinh thần Chỉ thị 11 này, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành khoảng 95 văn bản triển khai cụ thể). Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 và Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và năm 2021; Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg; Cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm.

Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường. Chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động được cho là khó tiếp cận, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. 75% doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành Hàng không; cho phép tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19; giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…

Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ tại thời điểm trước dịch, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục vay mới; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần liên tục điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô lớn, với tổng mức giảm khoảng

1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,85-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên; chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, bảo đảm an toàn tài chính; tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Đến ngày 23-11-2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 271.366 khách hàng với dư nợ 350.372 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 570.020 khách hàng với dư nợ 944.811 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23-1 đến nay đạt 2.091.326 tỷ đồng cho 370.073 khách hàng. Ngân hàng Chính sách xã hội gia hạn nợ cho 167.059 khách hàng với dư nợ 4.170 tỷ đồng, cho vay mới đối với 1.891.895 khách hàng với số tiền 68.656 tỷ đồng; thực hiện giải ngân hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động với tổng dư nợ là 15,07 tỷ đồng cho 95 người sử dụng lao động, số lao động được hỗ trợ là 4.247 người.

Để ứng phó với dịch bệnh, 92% doanh nghiệp tư nhân, 96% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chủ động nhiều giải pháp như: dự trữ hàng hóa, áp dụng cách làm mới, đào tạo kỹ năng số cho người lao động, tìm giải pháp chuỗi cung ứng mới, áp dụng tự động hóa... Tuy nhiên, việc tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch còn hạn chế. Việc cập nhật lên bản đồ An toàn Covid-19 mới chỉ đạt 5-10% trong số các doanh nghiệp, nhà máy được kiểm tra.

Bởi vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương và doanh nghiệp phải kiểm tra, rà soát, hoàn chỉnh cập nhật kế hoạch phòng, chống dịch với khu công nghiệp; khai báo y tế và có phân loại dịch tễ, xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân và chủ động kiểm tra có phương án phòng, chống dịch cụ thể.