Tác chiến mạng: Quân bài trong tay áo của lục quân Mỹ

ANTĐ - Quân đội Mỹ đang tích cực chuẩn bị để có thể sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh mạng trên quy mô lớn. Giới chỉ huy quân sự Mỹ tin tưởng vào xu thế tất yếu và thắng lợi của những người đầu tiên xây dựng các điều kiện bảo đảm cho ưu thế hoạt động của mình trong không gian mạng. 

Tác chiến không gian mạng là hành vi các bên tham chiến sử dụng mạng Internet hoặc các mạng khác để thu thập, phá hoại thông tin trong hệ thống tổ chức, chỉ huy, điều khiển, hệ thống vũ khí… của nhau. Đây là phương thức tác chiến “không tiếng súng” trên cơ sở công nghệ thông tin mà các bên có thể tác chiến trong điều kiện không nhìn thấy nhau.

Đặc điểm nổi bật của tác chiến mạng là rất linh hoạt với “vũ khí” đơn giản chỉ là những chiếc máy tính, nhưng hậu quả mà nó gây ra là rất lớn. Điển hình như trong những năm 2007-2008, mã độc Stuxnet-một sâu máy tính đã xâm nhập vào hệ thống máy tính điều khiển chương trình làm giàu Uranium của Iran và đã để lại hậu quả nặng nề: Hơn 980 máy ly tâm cao tốc phục vụ chương trình hạt nhân tại Nhà máy Natanz bị ngừng hoạt động. Chương trình hạt nhân của Iran bị chậm lại ít nhất 2 năm... Bên cạnh đó, tác chiến mạng hầu như­ không chịu ảnh hưởng của bất kỳ điều kiện tự nhiên nào. Khái niệm không gian cũng trở nên vô nghĩa trong tác chiến mạng.

Cuộc chạy đua vũ trang mới trên không gian mạng giữa các quốc gia đang nóng dần lên. Mỹ cũng như các quốc gia khác đang không gian tăng cường lực lượng tiến công trên không gian mạng.

Theo một số nguồn tin, tổng quân số của lực lượng tác chiến mạng của Mỹ có thể lên đến hơn 80.000. Mỹ cũng đã nghiên cứu tạo ra hàng nghìn loại “vũ khí” vi rút máy tính chuyên dùng cho tác chiến mạng và trở thành quốc gia có thực lực tác chiến mạng mạnh nhất thế giới. Theo kế hoạch, đến trước năm 2030, quân đội Mỹ sẽ xây dựng hoàn chỉnh lực lượng tác chiến mạng nhằm thực hiện nhiệm vụ tiến công và phòng thủ mạng. Vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố “Chiến lược hành động trong không gian mạng”, khẳng định tầm quan trọng của cuộc chiến không gian mạng tương đương với những cuộc chiến trên không, trên bộ, hoặc trên biển. Việc tăng cường an ninh và phòng, chống hiệu quả các cuộc tấn công mạng sẽ trở thành một nhân tố quan trọng trong việc định hình sức mạnh quân sự của Mỹ trong tương lai. Dưới đây giới thiệu về lực lượng tác chiến mạng thuộc Lục quân Mỹ.

Tướng Keith B. Alexander chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng quân đội Mỹ

Quân số của Bộ chỉ huy tác chiến mạng Lục quân Mỹ lên tới gần 7.000 quân và 14.000 chuyên viên dân sự. Trong thành phần 2 tập đoàn quân có Bộ chỉ huy mạng và công nghệ máy tính và Bộ chỉ huy trinh sát và an ninh. Cơ quan này liên quan phần nào tới việc tổ chức và tiến hành tác chiến mạng, có lực lượng và phương tiện của Bộ chỉ huy các chiến dịch thông tin mặt đất và bộ phận tác chiến trong không gian mạng.

Bộ chỉ huy Lục quân quan tâm tới vấn đề sử dụng lực lượng tác chiến mạng, theo đánh giá của các chuyên gia Mỹ, không chỉ trong các quân binh chủng của Quân đội Mỹ mà còn thúc đẩy phát triển lý thuyết và thực hành đấu tranh trong không gian mạng. Một ví dụ về vấn đề này, đó là trong Lục quân đã có lệnh tiến hành tác chiến mạng trong thời bình.

Ngoài ra, Bộ chỉ huy Lục quân đã nỗ lực lên kế hoạch chiến lược về tác chiến mạng cho tương lai. Kế hoạch soạn thảo của Bộ chỉ huy Lục quân có tiêu đề: “Kế hoạch phát triển khả năng của Lục quân trong tiến hành tác chiến trong không gian mạng giai đoạn từ 2016 đến 2028”. Văn bản này phản ánh cách nhìn nhận của Mỹ về vai trò và vị trí của LLTCM trong hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia và hướng tới sử dụng rộng rãi trong quân sự. Chẳng hạn, họ đánh giá tình huống tác chiến 10-15 năm sau để đưa ra yêu cầu phát triển LLTCM.

Các đơn vị thuộc lực lượng tác chiến mạng của Lục quân Mỹ bao gồm:

1. Trung tâm tác chiến mạng và tích hợp hệ thống máy tính được triển khai tại Fort - Belvoir, là khâu then chốt trong hệ thống thông báo tình huống trong lực lượng Lục quân và quyết định giải pháp tiến hành tác chiến mạng. Trung tâm này được thành lập năm 2009, bằng cách liên kết nhóm ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố với mạng máy tính của lục quân và trung tâm tác chiến và an ninh mạng toàn cầu.

Nhiệm vụ của các tổ chức này bao gồm: trực tiếp chỉ huy lực lượng tác chiến mạng Lục quân bằng cách cung cấp các thông tin và mệnh lệnh tương ứng; thu thập và tổng hợp thông tin từ các đài quan sát tình huống trong mạng máy tính; tổ chức hiệp đồng với trung tâm tác chiến liên hợp của bộ chỉ huy tác chiến mạng chiến lược liên hợp và các trung tâm tác chiến mạng của các quân, binh chủng.

2. Bộ chỉ huy mạng máy tính và công nghệ, có Ban tham mưu đóng tại Fort-Huachuca (bang Arizona) với nhiệm vụ chỉ huy “tác chiến mạng bảo đảm” bằng các biện pháp bảo đảm an ninh và bảo vệ mạng (bảo vệ thông tin và mạng máy tính, đối phó với các hoạt động bất hợp pháp), điều hành hệ thống hạ tầng mạng (lập kế hoạch, thiết kế, triển khai mạng, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị), cũng như dự báo hệ thống (phát hiện và sửa chữa hư hỏng).

Quân số của bộ này có tới gần 6.000 quân và 11.000 chuyên gia dân sự, hoạt động ở tuyến trước qua 6 trung tâm an ninh hạ tầng mạng và tác chiến mạng tại một số thành phố của Đức, Mỹ, Hàn Quốc.

Những trung tâm này được thành lập vào thời gian từ 2009 đến 2011, bằng cách phối hợp các trung tâm thông tin liên lạc, trung tâm xử lý thông tin, trung tâm an ninh và tác chiến mạng đã hoạt động ở tuyến trước. Chức năng của các trung tâm này là tổ chức cho các cơ sở mạng khu vực làm việc liên tục, an toàn; giữ ổn định truy xuất thông tin, dữ liệu khi diễn ra các chiến dịch quân sự trong khu vực chịu trách nhiệm của Bộ chỉ huy liên hợp các lực lượng vũ trang Mỹ.

3. Bộ chỉ huy tình báo và an ninh (đóng tại Fort-Belvoir) chịu trách nhiệm chỉ huy “hoạt động chiến đấu trên mạng”, là hoạt động ngoài phạm vi mạng thông tin-chỉ huy toàn cầu của Lục quân. Bộ chỉ huy tình báo và an ninh này có tổng số gần 8.000 quân và 9.000 chuyên gia dân sự.

Để giải quyết nhiệm vụ, trong thành phần Bộ chỉ huy đã thành lập Tổ tình báo quân đội hoạt động chiến đấu trên không gian mạng, với nhiệm vụ chính là hoạt động tiến công ở tuyến trước theo ý đồ của chỉ huy khu vực. Tổ này còn có nhiệm vụ thu thập tin tình báo ở các mạng và hệ thống máy tính của các quốc gia khác, nghiên cứu về các mối đe dọa không gian mạng và tiến hành tấn công có chủ đích.

Bên cạnh đó là Bộ chỉ huy các chiến dịch thông tin mặt đất (đóng tại Fort-Belvoir), có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và hoàn thiện các biện pháp tiến hành chiến dịch thông tin cũng như đào tạo nhân lực cho công việc chuyên môn; nghiên cứu phương pháp và khả năng tích hợp tác chiến mạng (hoạt động, tiến công) với chiến dịch thông tin và các chiến dịch quân sự khác của Lục quân Mỹ.

Tư lệnh chỉ huy mạng máy tính và công nghệ đồng thời là Phó tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến trong không gian mạng, còn Tư lệnh Bộ chỉ huy trinh sát và an ninh là Phó tư lệnh về “Hoạt động chiến đấu trên mạng”. Sự phân chia trách nhiệm này xác định phạm vi hoạt động của lực lượng trong và ngoài giới hạn mạng thông tin - chỉ huy toàn cầu của Lục quân.

Bộ chỉ huy tác chiến mạng Lục quân có nhiệm vụ: Lập kế hoạch đồng thời chỉ huy hoạt động tác chiến mạng của Lục quân (hoạt động, tiến công); Kiểm tra tình trạng mạng máy tính và bảo vệ mạng chỉ huy - thông tin toàn cầu của lục quân; Duy trì thông báo về tình trạng không gian mạng bằng cách thu thập và xử lý thông tin; Tổ chức phối hợp với bộ chỉ huy tác chiến mạng các quân, binh chủng khác; Tiến hành nghiên cứu trong môi trường tác chiến không gian mạng, hiện đại hóa phương tiện mạng và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, Bộ chỉ huy tác chiến mạng thuộc Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp, không chỉ giữ vai trò là cơ quan chủ chốt điều hành LLTCM, mà còn chỉ đạo tiến hành tác chiến mạng của quân đội NATO. Mục đích là tập hợp tiềm năng của các nước đồng minh và tạo dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, trong đó tập trung nỗ lực nắm vững tình huống trong không gian mạng để giúp quân đội Mỹ giữ ưu thế so với đối phương. Để đạt được điều này, Mỹ đang có xu hướng xây dựng môi trường thông tin theo nguyên tắc “mạng trung tâm”, không phân đoạn theo không gian, phạm vi, chủ đề, tổ chức và các đặc điểm khác.

Nhằm giải quyết nhiệm vụ này, Mỹ không chỉ đưa mạng chỉ huy - thông tin toàn cầu “GIG” vào cơ cấu mà còn phát triển khả năng trinh sát trong không gian mạng, song song với các hình thức trinh sát khác, để phân biệt mối đe dọa thật và giả, cũng như thể hiện sức mạnh số của Mỹ ngoài phạm vi phân khúc của mình. Cũng theo tiêu chí này, tác chiến mạng được phân loại như sau:

  • Hoạt động chiến đấu trong không gian mạng (Chiến tranh mạng): tác động lên đối phương mang tính toàn cầu, ngoài phạm vi mạng chỉ huy.
  • Hoạt động trên mạng đối phương và Bảo đảm tác chiến trong không gian mạng: hoạt động ở ranh giới phân khúc không gian mạng của Lục quân Mỹ.
  • Đấu tranh trong không gian mạng: theo nghĩa rộng có thể hiểu là hoạt động trinh sát (tình báo).

Ngoài ra, những khả năng khác cũng được chú trọng (phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và thực thi pháp luật) và các hoạt động được tiến hành trên một nền tảng nhất quán, theo một ý tưởng thống nhất với tác chiến mạng (trinh sát vô tuyến điện tử, hoạt động trong phổ điện từ và các không gian khác).

Một khóa học tại Trung tâm Tác chiến Mạng (Nguồn: internet)

Nói chung, phương pháp tiếp cận của Lục quân Mỹ đối với việc phân loại tác chiến mạng đã được nghiên cứu kỹ và hoàn toàn dựa trên các nguyên tắc “mạng trung tâm”. Điều này giải thích sự quan tâm của các chuyên gia Mỹ tới nội dung các nhiệm vụ được giải quyết trong quá trình tiến hành tác chiến mạng.

Với việc thực hiện “tác chiến mạng bảo đảm”, Bộ chỉ huy Lục quân Mỹ không chỉ tổ chức bảo vệ mạng, mà còn duy trì việc truy cập dữ liệu được liên tục, ổn định dựa trên cơ sở hạ tầng mạng khi tiến hành các hoạt động quân sự.

Quân đội Mỹ đang tích cực chuẩn bị để có thể sẵn sàng cho những cuộc chiến tranh mạng trên quy mô lớn. Giới chỉ huy quân sự Mỹ tin tưởng vào xu thế tất yếu và thắng lợi của những người đầu tiên xây dựng các điều kiện bảo đảm cho ưu thế hoạt động của mình trong không gian mạng. Quân đội Mỹ đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống chỉ huy tác chiến trong không gian mạng, đã được chứng minh qua thực tế và nghiên cứu của Bộ chỉ huy Lục quân Mỹ.