Syria vẫn là điểm nóng nhất

ANTĐ - Trong thời điểm hiện nay,  mặc dù sự chú ý của thế giới  vẫn hướng đến bán đảo Triều Tiên, biển Đông... nhưng Syria mới thực sự là điểm nóng nhất về an ninh quốc tế. Theo ước  tính của Liên hợp quốc, cuộc nội chiến kéo dài 2 năm tại Syria đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70.000 người. Theo Cơ quan tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), đã có hơn 1,5 triệu người chạy trốn khỏi Syria khi tình hình khủng hoảng tại đây đang ngày một xấu đi nhanh chóng. Khả năng quốc tế hóa cuộc chiến tranh không còn là nguy cơ mà trên thực tế đã có những diễn biến rất phức tạp.

Các nhà ngoại giao quốc tế đang hy vọng có sự chấm dứt cuộc chiến tranh ở Syria bằng biện pháp hòa bình khi mới đây, Mỹ và Nga đã kêu gọi tổ chức một cuộc hòa đàm quốc tế trong đó có đại diện chính quyền và phe nổi dậy ở Syria. Nhưng khả năng này trong tương lai gần lại bị những diễn tiến ngoài cuộc tác động khiến người ta lo âu nó rất khó xảy ra.

Các phe nhóm ở cuộc chiến tại nước này muốn có những chiến thắng quân sự trước khi bước vào cuộc đàm phán hòa bình như một lợi thế khi ngồi vào bàn đàm phán. Thêm vào đó việc các cường quốc nước ngoài đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy các cuộc xung đột, làm cho bất kỳ một lệnh ngừng bắn nào khó có thể thực hiện được. 

Trong khi đó, dư luận còn  tỏ ra hoài nghi về sáng kiến của Nga - Mỹ, cho rằng “rất khó” tổ chức được một hội nghị có sự tham dự của cả Chính phủ Syria lẫn phe đối lập thì Đại hội đồng Liên hợp quốc lại thông qua Nghị quyết do Qatar và một số nước   Ả-rập đề xuất trong đó lên án nhà chức trách Syria làm leo thang cuộc xung đột, một số nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Nga, Iran, Nam Phi và Brazil... đã lên tiếng bày tỏ lo ngại động thái này làm xói mòn lòng tin về việc cộng đồng quốc tế có thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria thông qua các con đường ngoại giao. Trong khi Mỹ mạnh mẽ ủng hộ thì Nga, một đồng minh thân cận của Syria, cho rằng ủng hộ Nghị quyết nói trên “sẽ là một đòn giáng mạnh vào tất cả các nỗ lực nhằm đưa các bên xung đột tại Syria tới bàn đàm phán”, rằng Nghị quyết này “mang tính tiêu cực” nhằm vào “việc thay đổi chế độ” ở Syria. Cộng đồng quốc tế không can thiệp vào Syria và để người dân nước này tự quyết định tương lai của mình.

Còn đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc, ông Bashar Ja'afari khẳng định Nghị quyết trên đã “đổ thêm dầu vào lửa” đối với cuộc khủng hoảng và tình trạng bạo lực tại Syria thông qua nỗ lực công nhận Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập và hợp pháp hóa việc cung cấp vũ khí cho lực lượng này.

Trong diễn biến khác, cũng thời gian này, Nga chuyển tên lửa Yakhont cho Syria, khiến phương Tây sợ “tái mặt”. Thông tin về việc Moscow gửi tên lửa Yakhont cho Syria được đưa ra chỉ vài ngày sau khi báo chí cũng rộ lên tin về việc chính quyền của Tổng thống Assad đã có trong tay những tên lửa phòng không tối tân S-300 của Nga. Có thể nói, trong 2 tuần qua, Mỹ và các đồng minh dường như đã làm mọi thứ chỉ thiếu nước đồng loạt “xin” Nga ngừng cung cấp vũ khí cho chính quyền Assad. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của phương Tây và Israel, trong đó có cả những lời đe dọa, Nga hồi tuần trước đã khẳng định rõ ràng rằng, họ sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không tối tân S-300 cho chính quyền của ông Assad. 

Tờ New York Times đưa tin, Nga còn đang chuyển những tên lửa diệt hạm hàng đầu Yakhont cho chính quyền này. Trước đây, Nga từng vận chuyển tên lửa đất đối không SA-17 cho Syria và Israel đã cho tiến hành một cuộc không kích hồi tháng 1-2013 vào các xe vận chuyển vũ khí gần Damascus.

Giới quan chức quân sự và nghị sĩ hàng đầu của Mỹ đang nổi giận trước tin Nga chuyển giao tên lửa chống hạm siêu âm tối tân Yakhont cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Một số nhà lập pháp ở Washington sẽ yêu cầu Mỹ phải nhanh chóng thúc đẩy giải quyết việc chuyển giao vũ khí của Nga nhằm nhấn mạnh vai trò của mình ở Syria. Đặc biệt là khi mà Chính phủ Tổng thống Barack Obama đã công nhận hồ sơ tình báo rằng các lực lượng Assad có khả năng sử dụng vũ khí hóa học. “Chúng tôi có thể thấy quy mô quân sự đang nghiêng về Assad. Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ bằng cách hỗ trợ vũ trang cho phe đối lập, phấn đấu để xây dựng một tương lai Syria mới”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, ông Robert Menendez cho biết.

Tổng thống Obama cũng cho biết ông sẽ xem xét lựa chọn cả về ngoại giao và quân sự để tăng áp lực lên phe của ông Assad, nhưng nhấn mạnh rằng hành động của một mình nước Mỹ sẽ không đủ để giải quyết cuộc xung đột.

Trong khi đó, các phiến quân cùng những người ủng hộ Ả-Rập và phương Tây sẽ gặp nhau tại Amman hôm thứ tư tới    (22-5) để thảo luận làm thế nào để sắp xếp một cuộc họp. Nhưng sẽ không dễ dàng cho phe đối lập của ông Assad có thể đưa ra được một mặt trận thống nhất hoặc đồng ý gặp đại diện của Tổng thống. 

Tuần qua, Chính phủ Mỹ đã đưa vào “danh sách đen” 4 Bộ trưởng Syria, Hãng hàng không Arab Airlines của Syria và Đài Truyền hình Al-Dunya mà Mỹ cho là giúp đỡ Chính phủ của Assad trong cuộc đàn áp các lực lượng đối lập trong suốt hơn 2 năm qua. 4 quan chức Syria bị ghi tên vào “sổ bìa đen” của Bộ Tài chính Mỹ là các Bộ trưởng Quốc phòng, Y tế, Công nghiệp và Tư pháp.

Trong khi đó, theo Báo Vzglyad, báo chí phương Tây khẳng định Nga đã áp dụng các biện pháp đề phòng xảy ra trường hợp Mỹ và các đồng minh can thiệp quân sự vào Syria. Báo The Wall Street Journal đưa tin Moscow đã đưa hơn 10 tàu chiến đến tuần tra gần căn cứ hải quân ở Syria. Động thái này được xem là tín hiệu cho phương Tây biết Nga không muốn họ gây hấn.