Syria - Chiến trường không thể kiểm soát

ANTĐ - Suốt một tuần lễ vừa qua, quân đội Syria đã tiến hành các cuộc không kích, ném bom và trọng pháo để triệt phá các ổ đề kháng nhắm vào quân nổi dậy ở nhiều vùng. Ngày 1-11 là một ngày đẫm máu với 182 người chết trong các cuộc giao tranh ở Syria. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (OSHR), trụ sở ở Anh, trong số những người thiệt mạng, 104 người là dân thường và chiến binh nổi dậy và 78 binh sỹ Chính phủ. Trên thực tế, đất nước Syria đã bị biến thành chiến trường không thể kiểm soát.

Một đoạn băng video vừa được tung lên mạng cho thấy các chiến binh nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn đã hành quyết khoảng 20 binh lính ở tỉnh phía bắc Idlib. Những người này bị bắn chết sau khi đã đầu hàng. Đoạn băng này ghi lại cảnh một nhóm binh lính sợ hãi, một số đang chảy máu, nằm trên mặt đất trong khi các chiến binh nổi dậy đi lại xung quanh, đá và dẫm đạp lên người họ rồi nã hàng tràng đạn vào người họ. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết, chính nhóm nổi dậy Jabhat al-Nusra có mối liên hệ với tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda là lực lượng phải chịu trách nhiệm về vụ hành quyết dã man các binh lính Syria nói trên.

Khi các phần tử Hồi giáo cực đoan tham chiến

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, cuộc chiến Syria càng kéo dài, phe đối lập càng có nguy cơ bị các phần tử Hồi giáo cực đoan và al-Qaeda “bắt làm con tin”. Thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan đang ngày một phát triển trong phe nổi dậy Syria. Đây là điều khiến các cường quốc phương Tây cực kỳ quan ngại. Nó cũng là nguyên nhân khiến cho phương Tây chần chừ, đắn đo trong việc hậu thuẫn cho phe nổi dậy, nhất là trong vấn đề cung cấp vũ khí cho lực lượng này. Phương Tây lo ngại, vũ khí họ cung cấp cho phe nổi dậy có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố và những vũ khí này sẽ được dùng để chống lại chính đất nước họ. Bản chất của phe đối lập Syria đã bị thay đổi, “không còn một lực lượng dân chủ đang cố gắng lật đổ một chế độ độc tài” như trước. Phe đối lập Syria không có một  nền tảng đạo đức chung và đang trở thành mớ hỗn độn, bao gồm đủ mọi thành phần chống đối. Các chuyên gia về Trung Đông của chính quyền Obama nhận định một bóng ma mang tên Đối lập Syria bị các phần tử khủng bố “bắt làm con tin” sẽ ám ảnh ông chủ Nhà Trắng mới trong năm 2013. 

Phức tạp do có sự can thiệp từ bên ngoài  

Cộng đồng quốc tế cho đến giờ vẫn còn chia rẽ, chưa thể thu hẹp bất đồng trong cách thức tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria. Mỹ, các nước châu Âu và Ả Rập muốn ông Assad từ chức. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và Iran tiếp tục ủng hộ chế độ này. Nga nhấn mạnh số phận của Tổng thống al-Assad phải do người dân Syria định đoạt và điều này đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tán thành, đồng thời cũng là một phần trong thỏa thuận Geneva về Syria (đạt được tại hội nghị quốc tế về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng Sáu vừa qua). Thỏa thuận Geneva kêu gọi các bên ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán, khuyến nghị thành lập Chính phủ chuyển tiếp với nhiệm vụ chính là chuẩn bị các cuộc bầu cử tự do và công bằng,... chứ không đề cập đến việc quyết định số phận ông Assad như một số quốc gia phương Tây luận giải. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 31-10 nhấn mạnh "Không có giải pháp quân sự đối với vấn đề Syria." Còn Trung Quốc cho rằng tình hình tại Syria đang ở giai đoạn có tính quyết định và điều quan trọng là cần tìm một giải pháp chính trị phù hợp với lợi ích của người dân Syria cũng như hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông. 

Theo các nhà quan sát, tình hình Syria tiếp tục diễn biến rất phức tạp do có sự can thiệp từ bên ngoài. Kể từ khi Hội đồng dân tộc Syria (SNC) thành lập cách đây một năm (tháng 10-2011), phe đối lập chủ chốt này ở Syria đã nhận được 40,4 triệu USD viện trợ quốc tế, trong đó 20,4 triệu USD từ Libya, 15 triệu từ Qatar và 5 triệu từ các nước Tiểu vương quốc Arập.

Mỹ đã lên tiếng chỉ trích SNC đã không tập hợp được lực lượng đối lập cả nước để chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong chuyến thăm Croatia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 1-11 kêu gọi cải tổ ban lãnh đạo phe đối lập tại Syria, cho rằng đã đến lúc bỏ lại Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập”.

Chế độ Assad đã  rút quân khỏi khu tự trị của người  Kurd ở khu vực Đông Bắc, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Phần lớn khu vực phía Bắc giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hiện không còn nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Syria, trong khi ở miền Trung và miền Nam Syria lại sa vào lò lửa của nội chiến kéo dài 18 tháng qua. Trong số các thành phố lớn ở Syria, chế độ Assad chỉ kiểm soát hoàn toàn thủ đô Damascus. Tuy nhiên, Chính phủ Syria vẫn còn trong tay những con “át chủ bài” để đối đầu với quân nổi dậy - với hàng trăm nghìn quân sĩ trong các binh chủng lục quân, hải quân và không quân. Chế độ này vẫn nhận được sự ủng hộ của các sắc tộc, giáo phái thiểu số như người Hồi giáo dòng Alawte, người Cơ đốc giáo…vốn lo sợ sẽ bị đàn áp trả thù nếu người Hồi giáo Sunni chiếm đa số thắng trận.  Nếu như cách đây vài tháng Mỹ và các nước phương Tây rất nóng lòng với Hội đồng Bảo an LHQ nhằm thông qua một kế hoạch quân sự lật đổ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al Assad  thì nay họ phải suy nghĩ lại. Lật đổ Tổng thống Al Assad là điều nằm trong tầm tay nhưng vấn đề ổn định Syria mới đáng sợ. 

Diễn biến tại Syria cho thấy vấn đề ngày càng phức tạp với quá nhiều phe phái, xung đột quyền lợi với nhau, chưa kể là mạng lưới khủng bố Al-Qaeda lợi dụng tình hình xâm nhập vào lực lượng đối lập Syria. Điều đó sẽ khiến phương Tây khó có thể áp đặt đường lối cho Chính phủ mới của Syria sau này.