Suy nghĩ cứng nhắc và thụ động

ANTD.VN - Ngày xưa, có một người nông dân nghèo khó, làm lụng quanh năm vất vả, lúc nào cũng mặc quần áo cũ rách và chân đi đất. Một ngày nọ, khi sắp đến ngày Tết, gom góp được một món tiền, người nông dân quyết định sẽ mua một đôi giầy để diện cho bằng anh bằng em. 

Quyết định xong, anh ta bèn lấy một tấm vải bố, để hai chân mình lên đó rồi lấy phấn vẽ theo hình đôi chân, định bụng phiên chợ sáng mai sẽ cầm bản vẽ mẫu chân này mang đến cửa hàng đóng giầy để cho họ làm mẫu nhưng không ngờ sáng hôm sau vội quá, người nông dân lại để quên bản vẽ mẫu ở nhà.

Vào đến cửa hàng giầy, anh ta mới biết mình quên bản vẽ ở nhà, người nông dân nói với chủ cửa hàng giầy: “Tôi để quên bản vẽ mẫu chân mình ở nhà, anh chờ tôi nhé, tôi sẽ chạy về nhà để lấy nó ngay”, nói rồi người nông dân ba chân bốn cẳng chạy về nhà mình cách chợ xa hơn hai giờ đồng hồ. Quá trưa người nông dân mới quay lại được thì chợ đã tan, cửa hàng giầy cũng đã đóng cửa, anh ta lại lủi thủi quay về, buồn bã vì không đo được giầy.

Một người ở gần đó thấy anh nông dân mặt buồn bã mới hỏi sự tình, nghe xong người đó kêu lên: “Trời, sao anh không đưa luôn chân anh ra cho người ta đo, có phải chính xác hơn không?”, anh nông dân lắc đầu, mặt rất nghiêm trọng: “Không được, đo chân sao chính xác bằng bản vẽ mẫu được. Tôi chỉ tin bản vẽ mẫu thôi”.

Câu chuyện người nông dân đi đo giầy đọc xong ai cũng đều cười phá lên và chê trách người nông dân kia nhưng thực sự câu chuyện này mang một ý nghĩa rất sâu sa và là một bài học rất thiết thực cho cuộc sống của chúng ta. Hãy suy nghĩ về những việc chúng ta đã nghĩ và đã làm rồi thất bại, nghĩ về cả cách sống của chúng ta nữa, bạn sẽ thấy, phải chăng những suy nghĩ thụ động, cứng nhắc, không chịu tư duy, không chịu thay đổi vẫn đang ngày ngày hiện hữu trong mỗi con người chúng ta và nó khiến chúng ta đôi lúc hành động y như người nông dân kia. Đó chính là lý do mà chúng ta thất bại, vì thế hãy biết thay đổi và tư duy tích cực.