Suy ngẫm về điều tốt - cái xấu

ANTD.VN - Số tiền 1 tỷ đồng là tài sản quá lớn mà có lẽ cả đời một người làm công ăn lương không dám mơ tới, thế nhưng khi nhặt được số tiền này, chị Trần Thị Anh - một nhân viên Điện lực Đà Nẵng lại không đắn đo mà quyết định chờ người đánh rơi tiền quay lại tìm để trả lại. Đáng trân trọng hơn, khi người mất tiền cảm kích, muốn gửi chút tiền cảm ơn, chị vẫn nhất quyết từ chối.

Hành động đáng trân trọng ấy của chị Trần Thị Anh mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Trước đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã tặng chị Bằng khen về nghĩa cử này.

Vẫn biết rằng, chị Anh làm việc đó không phải để được khen thưởng, nhưng dẫu sao, cần lắm những sự động viên. Bởi vì, đây không chỉ là sự động viên cho riêng chị, mà còn khuyến khích nhân lên những hành động đẹp, những tấm lòng thiện như chị Anh, trong xã hội mà sự thực dụng ngày càng phổ biến.

Không thể phủ nhận thực tế là xã hội ngày càng chứng kiến nhiều hành vi trái ngược với đạo đức, lương tâm con người. Không chỉ đơn thuần là “nhặt được của rơi, tạm thời đút túi”, mà có nhiều hành vi còn phản cảm hơn nhiều. Hôi của là một ví dụ.

Không ít lần lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng những hình ảnh đáng xấu hổ của những đám người tranh nhau vào hôi bia, hôi xà phòng, nước giặt… khi một chiếc xe ô tô chở hàng chẳng may gặp nạn, mặc lái xe đứng khóc lóc, van xin.

Có lẽ, đơn giản họ nghĩ “nếu mình không hôi thì người khác cũng nhặt hết”. Rồi chỉ vì sự ích kỷ, nhỏ nhen chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mình, có người nhẫn tâm đổ cả xô dầu nhớt, chất thải vào sạp của “bạn hàng” bị cho là bán phá giá… 

Nhưng, cũng rất đáng mừng rằng những hành động xấu xí này đã lập tức bị dư luận lên án. Và càng đáng mừng hơn, trong thời đại mà bất kỳ điều gì xảy ra đều có sự lan tỏa vượt không gian và thời gian nhờ có truyền thông và mạng xã hội, thì những cái xấu sẽ bị lên án mạnh mẽ hơn, những hành động đẹp cũng được chia sẻ đến nhiều người hơn.

Thế nên, qua mạng xã hội, chúng ta vẫn bắt gặp ngày càng nhiều những dòng tin nhắn nhặt được của rơi, cần tìm người để trả lại. Đôi khi vẫn thấy những hình ảnh ấm lòng khi một thanh niên bị gió thổi bay tiền đã được những người xung quanh nhặt và trả lại hay chuyện chiếc xe chở trái cây bị lật nhưng không ai lấy một quả, mà giúp lái xe nhặt lại hàng…

Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, những hành động đẹp như của chị Trần Thị Anh trong câu chuyện trả lại 1 tỷ đồng trên sẽ được lan tỏa, góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người. Chỉ cần nghĩ như chị, tiền có lấy của người ta về rồi cũng tiêu hết, thế nên, hãy trả lại những thứ không thuộc về mình để giữ lại đạo đức - đó mới là thứ trường tồn.