Sụp đổ vì “bỏ hết trứng vào một giỏ”

ANTĐ - Dốc tất cả vốn liếng, cơ nghiệp đặt vào canh bạc là người chồng thích ăn chơi bốc giời đeo đuổi giấc mơ đại gia một cách bệnh hoạn, chị đã đẩy cả gia đình vào thế chông chênh, năm ăn năm thua.

Dốc tất cả vốn liếng, cơ nghiệp đặt vào canh bạc là người chồng thích ăn chơi bốc giời đeo đuổi giấc mơ đại gia một cách bệnh hoạn, chị đã đẩy cả gia đình vào thế chông chênh, năm ăn năm thua. Những nhu cầu của chồng càng ngày càng tăng lên, chị càng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chỉ đến khi chuyện người chồng đem tiền mồ hôi nước mắt của chị đi “bao gái” vỡ lở, chị mới hay mình đã mất trắng. Nhưng bị kịch vẫn chưa đến hồi kết.

BÁN GIỜI KHÔNG VĂN TỰ

Chồng chị tốt nghiệp đại học tại chức loại trung bình, xin đi tập sự ở một văn phòng sở X. Nhưng năng lực, trình độ đều ở hạng trung bình yếu, anh không được giao những công việc cho ra thu nhập. Một năm trời mang tiền vợ đi làm, đi ăn, đổ xăng xe, anh đã tiêu của chị mất mấy chục triệu. Cuối cùng, anh tuyên bố, anh không thích làm nhà nước. Anh đòi ra ngoài thành lập công ty để kinh doanh. Muốn thành lập công ty phải có vốn, phải có văn phòng, có cơ sở vật chất. Anh đòi chị cho “mượn” giấy tờ mảnh đất để thế chấp, lấy tiền làm vốn. Là nhà nghiên cứu, bị giới hạn trong phạm vi phòng thí nghiệm, chị không hiểu gì về việc kinh doanh, nên nghe anh nói thế nào thì biết thế. Thấy anh vò đầu bứt tai khổ sở không xoay được vốn, chị lại mủi lòng, quên lời dặn của mẹ, đưa cho anh hết tất cả giấy tờ đất đai. Anh vồ lấy, rồi ôm chặt lấy vợ, hôn lấy hôn để, tâng bốc chị hết lời. Rồi anh chạy vù đi.

Anh lặn mất một tuần chị không sao kiếm được. Chị đang lo sợ mất chồng thì anh về, mang theo chiếc laptop đắt tiền, khoe mình đã mở được 3 văn phòng đại diện và đặt trụ sở chính ở một con phố có tiếng. Chị hoảng hốt, lo lắng hỏi, “Việc kinh doanh chưa bắt đầu, anh thuê nhiều văn phòng như vậy thì lấy tiền đâu để trả?”. Anh cười xòa, chế nhạo chị ngốc nghếch, rồi giải thích, đó là mẹo làm ăn, có làm như vậy thì người ta mới thấy công ty hoành tráng, mới tìm đến đặt hàng, giao dịch.

Khách hàng ở đâu chả thấy, chị chỉ thấy mỗi tháng anh phải trích chính tiền vay để trả lãi ngân hàng. Anh không tiếc tiền bỏ ra mua sắm trang thiết bị mới, đắt tiền, không ngần ngại thuê hàng loạt nhân viên, nuôi ăn và trả lương. Anh còn đầu tư cho các mối quan hệ với các đại gia, quan chức địa phương... để kéo hợp đồng về. Rồi anh đưa cả chị và con đến đấy ở, tiếng là tách ra ở riêng, nhưng thực chất là để chị trông coi nhân viên và trang trải mọi khoản chi của công ty hộ luôn. Anh thủ thỉ bảo chị cứ ứng tiền ra để trả lương cho họ, khi nào có tiền, anh sẽ hoàn lại. Chị ngậm ngùi dốc hầu bao. Hàng chục nhân viên cứ lượn ra lượn vào cả ngày, trong khi chị vất vả bươn chải, chạy ăn từng bữa.

Rồi anh cũng nhận được một số hợp đồng nhỏ. Số tiền nhận được, anh không hoàn lại cho chị, mà đem về nhà bố mẹ để mua sắm, sửa sang. Anh giải thích với chị, anh phải báo hiếu cho bố mẹ trước. Chị nói “Vậy bấy lâu nay, anh ăn cơm của ai, con anh thì ai nuôi, sao anh không lo”. Anh nổi giận “Cô so đo tính toán với tôi à”, rồi đổi giọng “Vợ chồng còn về lâu về dài, anh có quên công lao của em đâu”. Chị nuốt nước mắt, nghĩ chữ hiếu phải đặt lên trên.

Mấy tháng sau, bố chồng chị đến, gặp chị hỏi “Vợ chồng anh chị vay của tôi 80 triệu để làm ăn, hẹn cuối năm thì trả. Nay sắp cưới con Quỳnh, chị thu xếp nhanh để tôi còn lo cho nó”. Chị bật ngửa người, hốt hoảng “Con vay tiền hồi nào?”. Ông bố chồng cáu. “Nhà chị chẳng đến vay tôi hồi nó về xây lại cho tôi cái bếp chứ hồi nào nữa?”. Chị thở dài, nói “Chúng con tuy là vợ chồng, nhưng nếu anh ấy vay thì phải có ý kiến của con chứ. Con đồng ý vay thì con sẽ cùng chịu trách nhiệm trả nợ. Nhỡ ra anh ấy không vay cho gia đình, mà vay để giải quyết việc riêng, con làm sao mà biết được”. Lời qua tiếng lại, ông bố chồng quy kết chị đủ tội, rồi đe dọa sẽ báo công an. Chị lắc đầu, hết biết. Gọi cho anh, máy anh cứ “tò tí te”. Chị đành bảo ông bố chồng cứ về rồi chị sẽ nghĩ cách giải quyết.

Phải mất hai tháng sau, chồng chị mới gọi điện cho chị, nói đang ở trong miền Nam, xúc tiến mở văn phòng đại diện và mở rộng giao thương. Anh giục chị đi vay nóng cho anh mấy trăm triệu để anh làm thủ tục. Chị chất vấn anh về số tiền vay nhà chồng. Anh cười, chế nhạo chị trẻ con, muốn thành tỷ phú mà nhát gan, mới vay có vài chục triệu đã sợ. Chị khóc “Em không thích làm tỷ phú. Em chỉ thích được yên thân nuôi con. Anh không về lo trả nợ thì em sẽ giải tán hết tất cả mọi thứ, thu được đồng nào thì thu”. Anh hốt hoảng, ngon ngọt “Anh đang kéo được hợp đồng 2 tỷ, em mà buông tay là anh đứt hết. Cố lên nửa tháng nữa nhà về là có tiền”. Chị không biết làm sao, lại đến địa chỉ anh cho sẵn, vay tín dụng đen 350 triệu để gửi vào cho anh.

CỐC MÒ CÒ XƠI

Khi anh về, anh lái chiếc xe BMW láng coóng, ăn mặc toàn hàng hiệu, đồ đạc anh dùng đều là hàng xịn, chị nhìn mà phát run. Mỗi sáng, anh đánh xe đi vào hiệu, nhà hàng ăn sáng, tán chuyện với bạn đến tận trưa mới về. Đêm, anh chong đèn ngồi bên máy tính đến tận sáng. Thỉnh thoảng, anh nhận hợp đồng, lại cho chị ít tiền tiêu vặt. Chị tính, số tiền bỏ ra anh bù chưa đủ.

Từ ngày làm ăn “vào cầu”, anh cũng thay đổi hẳn thái độ với chị. Anh ở phòng riêng, căn phòng tốt nhất của tòa nhà. Vợ con, anh cho lên tầng trên cùng, vừa nóng, vừa chật. Chị mà ăn mặc không lịch sự, anh không cho bước lên xe ô tô, nói rằng chị sẽ làm mất mặt anh. Rồi anh chê chị vừa già, vừa xấu. Chị khóc “Bao năm qua còm cọm nuôi chồng, nuôi con, làm gì còn đẹp, còn giòn”. Có lúc, chị rụt rè xuống thăm anh, mong được anh âu yếm, vỗ về, anh đều lấy cớ là đang bận việc, chị cứ về phòng đợi.

Gần đây, anh cuống quýt gọi điện bảo chị đi vay ngay cho anh 200 triệu để mua hồ sơ đấu thầu. Hợp đồng này béo bở lắm, anh phải nhờ mối quan hệ xịn mới có cơ tranh được. Chị mệt mỏi, nói rằng chị không biết còn vay đâu được nữa. Anh quát tháo một hồi, chê trách chị ngu dốt, không biết vì nghiệp lớn của chồng thì đừng mong được làm vợ đại gia. Chị trả lời “Em không có phúc ấy”, rồi cúp máy. Hôm sau, anh lại gọi về, ngon ngọt bảo chị anh đã nói chuyện được với nhân viên tín dụng X. Chị cứ cầm giấy tờ phô tô công chứng mảnh đất đã thế chấp ngân hàng, đem vay lấy 500 triệu cho anh. Xong hợp đồng, anh sẽ thanh toán. Chị sợ hãi “Như thế là một mảnh đất thế chấp hai chỗ à?”. Anh tặc lưỡi bảo chị cứ làm đi, đã có anh chịu trách nhiệm. Chẳng hiểu anh tỉ tê thế nào, chị lại ngoan ngoãn nghe lời. Sau khi được chị báo cho biết tiền đã chuyển vào tài khoản của anh. Sau đó, anh tắt máy DĐ luôn mấy ngày.

Người cháu họ của chị học đại học Nông nghiệp I bỗng hớt hải về gặp chị, nói nó trông thấy anh bước ra khỏi chiếc xe taxi bế một đứa hài nhi, còn dìu theo một phụ nữ ăn mặc như bà đẻ, còn trẻ măng, về khu làng gần nơi nó ở trọ. Linh cảm chuyện chẳng lành, chị theo cháu đến theo dõi ở khu nhà ấy, và dò la ngọn ngành. Người dân địa phương cho biết, người thiếu phụ đó là người địa phương, làm kế toán ở xã. Chị ta kết hôn với “ông chủ thầu” giàu có nên sướng lắm, được chồng chiều, ăn sung mặc sướng, đi đâu có xe đưa xe đón. Họ mới có một đứa con gái.

Chị thất thểu quay về nhà, nằm lịm mấy ngày liền, không còn biết gì đến xung quanh. Một tuần sau, anh về nhà, khoe mới đi công tác về, làm ăn thắng lắm. Chị trút vào anh tất cả những gì chứa chất ở trong lòng. Biết chuyện đã vỡ lở, anh ngang nhiên công nhận “Tôi phải lấy vợ hai vì cô chẳng đỡ đần được tôi mấy tí. Cả về trình độ, năng lực và hình thức, cô bì làm sao được với người ta mà đòi hỏi”. Chị không thể hình dung hết sự tráo trở, lật lọng của con người này, chỉ thấy tất cả đã sụp đổ hết.

Nhưng mọi việc chưa dừng lại. Khi làm đơn ly hôn, chị rà soát lại rất cả tài chính, tài sản chung vợ chồng, chị mới hiểu mình đã lâm vào tình thế nào. Hơn 10 tỷ tiền nợ. Quá nửa trong số đó có chữ ký của chị. Chị còn bị đưa tên làm Chủ tịch HĐQT công ty, nghĩa là phải chịu trách nhiệm tất cả về công ty “ma” mà anh ta lập ra. Tất cả tài sản có giá trị, anh ta đều đã thế chấp để lấy tiền sử dụng vào mục đích riêng. Sổ sách, giấy tờ, tài khoản công ty, anh ta và “vợ bé” quản lý thâu tóm hết. Ly hôn đồng nghĩa với việc mẹ con chị sẽ phải ra đường. Chị hình dung cảnh những chủ nợ rượt đuổi, tìm đến cơ quan chị để đòi nợ, tù tội. Nhưng nếu không ly hôn, chị sẽ ngày càng lún sâu vào những khoản nợ chồng chất, lãi mẹ đẻ thêm lãi con. Chị đã “bỏ tất cả số trứng vào một giỏ” và giờ đây mất trắng. Lối thoát nào cho chị?

Tư vấn

Theo chuyên gia tư vấn, vợ chồng lấy nhau phải xác định rõ tài sản chung, tài sản riêng và nghĩa vụ đóng góp kinh tế của từng bên. Trong trường hợp người vợ hoặc chồng tham gia kinh doanh, vay nợ, cả hai bên phải thỏa thuận với nhau về việc vay nợ, nghĩa vụ trả nợ của từng bên. Vợ chồng cũng phải công khai tài chính, nên thỏa thuận cụ thể quyền lợi được hưởng của vợ hoặc chồng nếu cùng tham gia kinh doanh. Người không tham gia kinh doanh nhưng có quyền lợi liên quan cũng cần phải tìm hiểu pháp luật để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, trước khi ký kết vào những văn bản, khế ước nợ và thừa kế. Như vậy, trường hợp rủi ro xảy ra, người tham gia cùng sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm với những gì họ thực sự đầu tư.