Sướng như trọng tài V-League

ANTĐ - Từ tiết lộ của cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng rằng nhiều trọng tài hiện nay vẫn nhận tiền “lót tay” của các đội bóng, có người đặt câu hỏi: Phải chăng mức đãi ngộ của “Vua sân cỏ” V-League thấp nên buộc họ phải tìm nguồn thu khác?

Câu trả lời là không. Ngược lại, thu nhập của trọng tài ở V-League rất cao. Cụ thể, mỗi trọng tài làm nhiệm vụ tại V-League được Công ty VPF bồi dưỡng 6 triệu đồng/trận với trọng tài chính và 4 triệu đồng/trận với trợ lý, trọng tài bàn. Mức của trọng tài ở giải hạng Nhất tương tự là 4 triệu và 3 triệu đồng/trận. Trong khi đó, các đồng nghiệp ở môn futsal cho biết họ chỉ nhận được bằng 1/3 mức của trọng tài hạng Nhất. Con số thù lao dành cho trọng tài nữ còn bèo bọt hơn, tới mức các nữ trọng tài cho biết chỉ đủ để họ mua kem chống nắng mỗi khi ra sân. 

Cùng tham gia điều hành giải VĐQG, nhưng trọng tài V-League nhận tiền bồi dưỡng gấp 4 lần trọng tài futsal và gấp 5 lần các đồng nghiệp nữ. Đó là chưa kể, trọng tài V-League gần như quanh năm có việc khi giải đấu kéo dài tới 9 tháng, còn giải VĐQG nữ chỉ có 7-8 đội kéo dài không quá 6 tháng, trong khi VĐQG futsal cũng chỉ đá vỏn vẹn nửa tháng và tối đa mỗi trọng tài được làm nhiệm vụ 7 trận. “Hầu hết anh em đều sống bằng nghề tay trái, đi làm trọng tài futsal chỉ vì đam mê. Một năm giải VĐQG có một lần, đi cả giải mang về cho vợ được vài triệu thì sống sao nổi”, một trọng tài FIFA futsal (xin giấu tên) tâm sự với phóng viên. 

Không chỉ tiền làm nhiệm vụ nhiều hơn, các trọng tài V-League còn nhận đãi ngộ cao hơn đồng nghiệp khác. Cụ thể, mỗi lần đi làm nhiệm vụ các trọng tài này đều được di chuyển bằng máy bay, được bố trí ở khách sạn tối thiểu 2 sao và mọi chi phí di chuyển, ăn, ở đều do ban tổ chức giải chi trả.

“Nếu điều kiện ăn, ở hay phục vụ của khách sạn không tốt, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý trọng tài, họ có quyền phản ánh và chúng tôi lập tức xác minh, chuyển khách sạn mới cho họ”, Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết. Trái ngược với đó là cảnh ăn uống đạm bạc và nơi ở tạm bợ, chỉ để “cho có” của các trọng tài futsal và trọng tài giải nữ. Có điều, dù thu nhập lẫn đãi ngộ kém hơn rất nhiều nhưng các trọng tài futsal hay giải nữ đều chấp nhận bởi với họ, đi làm giải là vì đam mê. Còn với trọng tài V-League, song hành cùng đam mê đôi khi còn là những cám dỗ mà không ít người đã gục ngã.