Sượng mặt với “nhà quê”

ANTĐ - Tối thứ bảy cuối tuần, nhân dịp hai đứa em họ đưa con cái ở quê ra chơi, tôi dẫn chúng đi quanh Bờ Hồ, dù gì thì lần đầu tiên chúng ra Hà Nội, về quê cũng phải có cái mà khoe, mà kể. 

Mấy chị em bác cháu ra đền Ngọc Sơn, chụp ảnh với cầu Thê Húc, Tháp Rùa. Bọn trẻ thích lắm, hớn hở chạy nhảy, nhìn cái gì cũng hay, cũng hỏi.

Chơi chán, tôi đưa cả ra Tràng Tiền ăn kem. Cửa hàng kem góc phố ấy gắn liền với những ước mơ thơ bé của tôi và cả gia đình, nên mỗi lần đi qua đoạn phố đó, thấy khách vẫn vòng trong vòng ngoài, đứng đầy trên vỉa hè vừa ăn kem vừa ríu ran trò chuyện, tôi lại thấy vui vui. Trong khi các thương hiệu kem ngoại tấn công ồ ạt, người Hà Nội vẫn muốn thưởng thức kem Tràng Tiền như một cách giữ lại nét riêng của Thủ đô, chẳng phải đáng quý lắm sao?

So với thời tôi được bố mẹ cho đi ăn kem mỗi khi được điểm cao, cửa hàng số 35 Tràng Tiền đã được sửa lại khang trang hơn nhiều, không gian dành cho khách rộng rãi hơn. Nhưng vì tối cuối tuần, lại sát ngày Rằm Trung thu, nên người lớn, trẻ nhỏ đi chơi nhiều, cửa hàng trở nên chật ních. Đứa em to khỏe xung phong chen vào mua kem trong khi chúng tôi đứng đợi ngoài vỉa hè cách đó cả chục mét. Chỉ vài phút sau, nó quay ra lắc đầu, người nhễ nhại mồ hôi. Mấy đứa cháu thất vọng khi thấy bố ra tay không. Tôi đành “xông” vào. Không chen thì khó mà tới được thùng kem, vì không ai xếp hàng tử tế. Tôi hỏi mua 6 cái kem que, chị bán hàng gọn lỏn: “Tiền trước”. Tôi vội vàng rút tờ 200.000 đồng ra, không ngờ chị ta vẫn lạnh lùng: “Tiền lẻ”. Sau đó phớt lờ lời giải thích của tôi về việc chỉ có một tờ duy nhất, chị ta quay sang bán cho người khác. Tôi lại chen ra, chạy quanh đổi được mấy đồng tiền lẻ quay vào. Cầm được số tiền đủ cho 6 que kem, chị bán hàng nhặt kem từ dưới tủ đá, vứt xoạch hai chiếc một lên mặt kính, kèm một chiếc túi nilon.   

Trong khi mấy đứa em, đứa cháu đứng ăn que kem mát rượi, tôi lại thấy mặt nóng ran. May mà đứa em lớ ngớ không chen vào được, chứ nếu chứng kiến màn “bán hàng mậu dịch” vừa rồi, nó về quê kể lại, thì khéo mang tiếng “Người Hà Nội” với cả làng. Nghĩ càng không hiểu vì sao cung cách làm ăn đã thay đổi mấy chục năm nay, mà mấy “chị kem Tràng Tiền” vẫn giữ nguyên lối cũ. Hay các chị sợ nếu mình đột nhiên niềm nở và lịch sự, thì hôm sau sẽ chẳng còn ai ghé tới ăn kem, vì họ thấy... không quen.